Cung An Định, tọa lạc tại địa chỉ 97 Phan Đình Phùng (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế), là một trong những công trình kiến trúc triều Nguyễn độc đáo, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ngày nay, công trình này còn là điểm đến không thể bỏ lỡ của nhiều du khách đến Huế.
"Mình biết điểm đến này qua mạng xã hội và hình ảnh từ bạn bè từng đi du lịch Huế. Ấn tượng về cung An Định là lối kiến trúc châu Âu pha lẫn nét cổ điển của phong cách cung đình Huế. Theo mình, các bạn trẻ đến đây nên chọn những trang phục truyền thống như áo dài, cổ phục thì sẽ rất thích hợp cho những bức ảnh ấn tượng", Lê Văn Phú (27 tuổi, du khách TP.HCM) chia sẻ.
Một số du khách lớn tuổi tìm đến địa chỉ này bởi muốn tìm hiểu về lịch sử, tận mắt nhìn thấy nơi từng sống của hoàng tộc triều Nguyễn. Sau khi tham quan Đại nội Huế, bà Hoàng Thanh Tiên (52 tuổi, du khách Hà Nội) bày tỏ sự thích thú khi chọn cung An Định là điểm đến thứ 2. Bởi qua nhiều sách báo, du khách này biết đây từng là nơi ở của hoàng hậu Nam Phương...
"Với mình, việc tận mắt được nhìn thấy những hiện vật của cung điện triều Nguyễn là trải nghiệm quý giá trong chuyến đi Huế lần này. Hy vọng công trình sẽ được bảo tồn hiệu quả và phát huy hơn nữa", bà Tiên nói.
Theo tài liệu lịch sử, năm 1901, thái tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo (tức vua Khải Định) quyết định lập phủ riêng, đặt tên là phủ An Định. Vào năm 1917, khi chính thức lên ngôi, vua Khải Định cho binh lính cải tạo lại công trình theo lối kiến trúc hiện đại. Sau 2 năm, quá trình xây dựng chính thức hoàn tất.
Năm 1922, theo ý nguyện của vua, cung An Định được ban cho Đông Cung thái tử Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại). Quãng thời gian sau khi lên ngôi, ông cùng vợ con sinh sống và trải qua nhiều sự kiện tại đây. Sau Cách mạng tháng Tám, triều Nguyễn thoái trào, vua Bảo Đại và gia đình đã chuyển từ hoàng cung sang sống tại An Định một thời gian ngắn trước khi chuyển qua nước ngoài định cư.
Sau này, bà Từ Cung (vị hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn) đã hiến cung An Định cho chính quyền cách mạng. Nơi đây từng xuống cấp, sau được trùng tu, phục dựng và tồn tại cho tới ngày nay.
Bình luận (0)