Bên trong Sở chỉ huy tiền phương của biệt động Sài Gòn đánh trận Mậu Thân 1968

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
11/03/2020 09:48 GMT+7

Quán Phở Bình (số 7 Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM) nằm lặng lẽ giữa phố xá nhộn nhịp. Ít ai biết đây chính là Sở chỉ huy tiền phương phân khu 6, nơi tập kết chiến sĩ biệt động Sài Gòn đánh trận Mậu Thân 1968.

Ở Sài Gòn, quán phở Bình “danh bất hư truyền” nổi tiếng thơm ngon của vợ chồng ông Ngô Toại trước đây và bây giờ là các con đang nối nghiệp. Từ thời kháng chiến chống Pháp, cả gia đình ông Ngô Toại đã sớm giác ngộ, tham gia cách mạng. Đây từng là nơi tập kết chiến sĩ biệt động Sài Gòn.
Tới năm 1967, quán Phở Bình được cách mạng chọn làm cơ sở bí mật của Sở chỉ huy tiền phương phân khu 6, cùng một số địa chỉ khác ở Sài Gòn: Cở sở bí mật của Thành úy Sài Gòn – Gia Định (số 9 Phạm Văn Chí, Q.6), Cơ sở giấu vũ khí của biệt động thành đánh Dinh Độc Lập năm 1968 (số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3)…, trở thành một trong những ‘địa chỉ đỏ” của quân và dân ta tập kết vũ khí, đạn dược, phương tiện vận chuyển, nhân lực... tổng tiến công vào các mặt trận ác liệt và cam go nhất: Dinh Độc Lập, tòa Đại sứ Mỹ, Đài phát thanh Sài Gòn, Bộ Tổng tham mưu VNCH..

Căn nhà số 7 Lý Chính Thắng, (Q.3, TP.HCM) chính là Sở chỉ huy tiền phương phân khu 6, nơi tập kết các chiến sĩ biệt động Sài Gòn trực tiếp tham gia chiến đấu của chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Ảnh: Quỳnh Trân

 

Nơi tập kết kho gạo để nuôi hàng trăm chiến sĩ trong thời gian dài

Bộ bàn ghế 'huyền thoại" của Sở chỉ huy

Ảnh; Quỳnh Trân

Sau ngày giải phóng mọi người cùng ngồi lại chiếc bàn kỷ niệm này

Ngôi nhà trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia , bằng công nhận do Bộ Văn hóa cấp ngày 16.11.1998

Ảnh; Quỳnh Trân

Căn nhà này đã từng in dấu của Phó Tư lệnh kiêm tham mưu trưởng phân khu 6 Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), Chính trị viên cụm J9 Hai Trí (Nguyễn Văn Trí), Đội trưởng A30 – đội trưởng đội biệt động 11 đánh tòa Đại sứ Mỹ Ba Đen (Ngô Thành Vân), Chỉ huy trưởng Cụm biệt động 679 Ba Phong (Đỗ Tấn Phong)… Hiện nay, cả ba người con của ông Ngô Toại sau khi hoàn thành nghĩa vụ ở Campuchia về đều có vợ, sinh con và ở tại đây. Ngôi nhà trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia, bằng công nhận do Bộ Văn hóa cấp ngày 16.11.1998.
Đưa chúng tôi đi thăm địa chỉ lịch sử, nơi thấm máu bao đồng đội của cha đã ngã xuống, ông Ngô Văn Lập – con trai ông Ngô Toại nhớ lại: “Ở tầng trệt này ngày xưa là quán Phở Bình nổi tiếng của cha, chúng tôi vẫn giữ nguyên trạng và tiếp tục theo nghề buôn bán mưu sinh".

"Sau khi bị lộ vào sáng mùng 3 tết, xe và lính bủa vây kín hết khu phố này, còn trên trời 2 chiếc trực thăng quần đảo thả dây xuống, lính nhảy vào cửa bên hông tầng 1 này đây, giờ tôi sửa lại", ông Lập nói

Ảnh; Quỳnh Trân
Ông Lập dừng lại, chỉ lên trên, nói: "Bên trái cầu thang kia là nơi tập kết kho gạo để nuôi hàng trăm chiến sĩ trong thời gian dài chờ xuất quân, nhiều gạo lắm. Còn tầng 1 quẹo vào nơi sinh hoạt của gia đình tôi giờ dùng làm bảo tàng, trưng bày hình ảnh của các lãnh đạo Sở chỉ huy tiền phương phân khu 6 và các chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Toàn bộ tủ, bàn ghế, bàn thờ từ tầng 3 được di chuyển xuống đây cho khách đến tham quan để hiểu thêm về sự ác liệt của cuộc chiến Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn. Khu nhà bếp nấu ăn cho bộ đội, vì thiếu chỗ ở nên tôi cải tạo thành một phòng nhỏ chật chội để ở"
                                                                      Ảnh; Quỳnh Trân
Chỉ tay vào chiếc bàn thờ Phật ở tầng 1, ông Ngô Văn Lập cho biết thêm: “Cha tôi cất giữ các bản đồ Sài Gòn và tài liệu liên quan về các cánh quân ở đây để địch không phát hiện được. Sau khi bị lộ vào sáng mùng 3 tết, xe và lính bủa vây kín hết khu phố này, còn trên trời 2 chiếc trực thăng quần đảo thả dây xuống, lính nhảy vào cửa ngay bên hông tầng 1 này đây, giờ tôi cho xây bít lại (ông Lập chỉ vào bức tường tầng 1 đã được làm lại). Địch nhảy vào vào bắn chết 2 đồng chí của ta chưa thoát kịp (giờ các đồng chí ấy đã được phong anh hùng), rồi bắt cha tôi, anh rể cùng 6 chị em nữ ở lại để tham gia hóa trang cho các chiến sĩ thoát ra cứ. Họ đều bị tra tấn dã man”.

Phòng ở của các chiến sĩ nữ

Ảnh; Quỳnh Trân

Nơi ở của chiến sĩ nam

Ảnh; Quỳnh Trân

Ông Ngộ Toại cất giữ các bản đồ Sài Gòn và tài liệu liên quan về các cánh quân ở đây

Ảnh: Quỳnh Trân

Căn phòng nhỏ của ông Lập cải tạo từ bếp ăn xưa nuôi giấu chiến sĩ

Ảnh; Quỳnh Trân

Ông Ngô Toại lúc còn sống (giữa) chụp hình với khách tham quan

Tầng trệt của Sở chỉ huy ngày xưa llà quán Phở Bình vẫn đang được các con ông Ngô Toại nối nghiệp

Ảnh: Quỳnh Trân

Thật cảm động khi nhìn lại ảnh ông Ngô Toại gầy gò khi gặp lại một vài đồng đội của mình còn sống sau sau cuộc chiến tranh và niềm vui sướng của ông khi nhiều người nước ngoài đến tham quan tìm hiểu về di tích mà ông chính là chủ nhân lúc còn sống. Họ cùng ngồi vào lại chiếc bàn cũ kỹ của Sở chỉ huy tiền phương phân khu 6 của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn, cùng ôn lại một thời ngôi nhà từng khiến kẻ thù khiếp sợ giờ đã trở thành di tích cấp quốc gia.
Theo ông Ngô Văn Lập do đang gặp khó khăn về chỗ ở do con cháu đông đúc nên hiện ngôi nhà đang chờ được nhà nước hoán đổ với ngôi nhà số 9 Lý Chính Thắng bên cạnh hoặc mua lại gia đình ngôi nhà này để gia đình có nơi chốn an cư lạc nghiệp, có điều kiện phát triển quán Phở Bình danh tiếng từng nuối giấu các chiến sĩ biệt động Sài Gòn và quan trọng nhất là thực hiện những mong ước trước đây của cha ông còn dang dở gởi lại.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.