Bên trong tòa nhà Thuận Kiều: Những ngày tháng 'chiến đấu' với Covid-19 không thể quên

27/02/2022 19:35 GMT+7

Cả nhà cùng đi chống dịch; vợ chồng chia ca vào BV dã chiến; vợ con nhiễm Covid-19 nhưng không ở bên,… khiến các y bác sĩ ‘nóng’ ruột, nhưng vẫn cố gắng thu xếp để thực hiện mệnh lệnh trái tim trong ngày dịch căng thẳng ở TP.HCM.

“Trong thời gian điều trị bệnh Covid-19 được sự chăm sóc tận tình của tập thể cán bộ y bác sĩ, vợ chồng chúng tôi chỉ nói nên lời: Quý bác sĩ là bồ tát giữa đời thường”, bệnh nhân Đ.V.T viết.

Bệnh nhân N.T.Đ.S: “Trước khi tới đây điều trị bệnh Covid-19, tôi đã rất lo lắng, vì không biết nơi đây có tốt không, có sạch sẽ không. Thật bất ngờ vì mọi thứ quá tốt. Thầm cảm ơn mọi người đã đồng lòng, chia sẻ với người bệnh. Nếu ghi ra đây thì làm sao ghi hết được tình cảm ấy. Love BV dã chiến số 5, love all anh chị,… Chúc tất cả có nhiều sức khỏe để công tác và dịch bệnh sớm hết để mọi người được về với gia đình nữa nhé. Thương mọi người lắm luôn”.

Lá thư được người xuất viện gửi lại y bác sĩ

BVCC

Bệnh nhân N.T.N.P: “Phòng bệnh sạch sẽ, phần ăn của từng bệnh nhân cũng được anh chị chuẩn bị chu đáo, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng để dưỡng bệnh. Em đi trị bệnh ở đây mà được siêu nhiều quà của nhà hảo tâm”,…

Đây là 3 trong số hàng trăm bức thư được bệnh nhân điều trị Covid-19 ở BV dã chiến số 5 gửi lại y bác sĩ trước khi xuất viện. Những lời tâm sự từ tận đáy lòng được các y bác sĩ cẩn thận lưu giữ như kỷ niệm khó quên trong cuộc đời.

Bản tin Covid-19 ngày 27.2: Cả nước thêm 101.828 ca | Hà Nội vẫn chưa đạt “đỉnh dịch”

Lửa hừng hực trong từng trái tim

Ngày 22.7, đợt đầu tiên gồm 70 y bác sĩ của BV Răng Hàm Mặt TP.HCM đến BV dã chiến số 5 đóng tại tòa nhà Thuận Kiều nhận nhiệm vụ.

Ngay thời điểm dịch căng thẳng, BS CKII Nguyễn Thị Thảo Vân, Phó giám đốc BV cũng như đồng nghiệp có nhiều nỗi lo, vì vốn là chuyên môn răng hàm mặt. Khi đó, cả 4 BS nội của Khoa gây mê hồi sức đều được điều qua BV dã chiến, cộng thêm sự hỗ trợ từ BV Nguyễn Tri Phương, BV Phạm Ngọc Thạch, nhờ vậy cả đoàn vững tin hơn.

Các y bác sĩ BV Răng Hàm Mặt TP.HCM nhận nhiệm vụ ở BV dã chiến số 5 từ 22.7.2021 đến 19.1.2022

BVCC

“Thời gian đầu mọi người đi như trách nhiệm của mình, của một người làm ngành y. Nhưng tới nơi rồi, tiếp xúc bệnh nhân rồi thì ai cũng lăn xả, máu lửa. Không hiểu sao lửa đâu mà các bạn qua đó năng lượng lắm, tôi cũng bị cuốn theo. Khi căng thẳng bệnh nhân bấm chuông gọi liên tục, không có thời gian nghỉ nhưng y bác sĩ nào gặp bệnh nhân cũng đều cười vui vẻ vì hiểu tâm lý rất quan trọng với họ”, BS Vân chia sẻ.

Trước khi BV dã chiến số 5 đi vào hoạt động, mạng xã hội có nhiều câu chuyện “tâm linh” liên quan tới tòa nhà Thuận Kiều được lan truyền. Những y bác sĩ cũng chọc đùa nhau về chuyện này, nhưng đến nơi ai cũng bị cuốn vào việc chăm sóc bệnh nhân, bệnh nhân nằm điều trị cũng thường xuyên chia sẻ với y bác sĩ. Do đó, những câu chuyện lan truyền trên mạng xã hội dường như không ai nhớ tới.

BV dã chiến số 5 ở tòa nhà Thuận Kiều có 825 giường bệnh, không có bệnh nhân ở lại đặt nội khí quản, các ca tiên lượng nặng đều được chuyển qua BV Nguyễn Tri Phương, BV ĐH Y dược,… Mỗi phòng bệnh tại đây từ 10 – 50 giường, bệnh nhân khỏe chủ động chăm cho người già yếu nên không khí không bị ngột ngạt, bức bí, tạo tâm lý thoải mái nhất cho bệnh nhân.

Mồ hôi ướt sũng vì các ca trực đều phải mặc đồ bảo hộ

BVCC

Phó giám đốc BV nhớ lại: “Mấy ngày đầu vô BV dã chiến tôi và đồng nghiệp gần như thức trắng đêm vì lạ chỗ, nằm ghế bố, tiếng còi xe cấp cứu bệnh nhân liên tục. Khi đó bệnh nhân cũng chưa hiểu nên lo nhiều. Mà người bệnh càng lo thì càng khó thở nên chúng tôi phải động viên. Dần dần có kinh nghiệm, mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn”.

Tạm gác nỗi lo gia đình

Vợ chồng cùng làm BS, cùng đứng ngồi không yên trong những ngày dịch giã căng thẳng. Hễ BS Vân vào BV dã chiến trực thì ông xã ở nhà chăm con và ngược lại. BS Vân cười kể: “Có đợt tôi vô mà anh nói hay anh vô trực luôn. Tôi gạt đi nói anh vô luôn lỡ con ở nhà có chuyện gì thì sao. Lúc đó ai cũng như có gì đó thôi thúc, nhất là mỗi lần nghe tiếng còi xe cấp cứu thì không thể ngồi yên tại chỗ”.

Kết nạp Đảng trong BV dã chiến là kỷ niệm khó quên của điều dưỡng Nguyễn Thị Như Quỳnh

BVCC

Tương tự, điều dưỡng (ĐD) Nguyễn Thị Như Quỳnh, khoa Nha chu cũng cho biết, thời gian đó, cả nhà chị 4 người đều đi chống dịch. “Ba và tôi cùng làm ở BV Răng Hàm Mặt TP.HCM, tôi qua dã chiến, ba trực ở BV, mẹ đi chống dịch ở phường, em trai chống dịch bên quân đội, khi đó cả nhà bỏ trống. Cả nhà chỉ gọi cho nhau hỏi thăm vào buổi tối, ngày nào cũng dặn nhau phải giữ sức khỏe”, ĐD Quỳnh tâm sự.

Cũng trong thời gian trực ở BV dã chiến số 5, BS Dương Minh Tùng, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Phó khoa Hàm mặt BV Răng Hàm Mặt TP.HCM được bà xã báo tin cả nhà test nhanh đều dương tính. Lòng như lửa đốt nhưng BS Tùng được chính vợ động ngược lại rằng: "Vợ anh sẽ ở nhà chăm sóc cho các con". Vững lòng vì lời động viên của bà xã, BS Tùng tiếp tục bám trụ để hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, may mắn là cả nhà anh đều đã vượt qua được Covid-19.

Ai cũng mặc bảo hộ kín nên các y bác sĩ phải viết tên lên đồ bảo hộ để gọi tên nhau

bvcc

Anh nhớ lại: “Vợ tôi nói là vợ chăm được, có vấn đề gì sẽ gọi tôi về sau. Những ngày đó trực mà cứ day dứt khi không thể ở bên vợ con trong lúc vợ con cần mình nhất. Tôi chỉ có thể bù đắp bằng cách thường xuyên gọi điện thoại, động viện các thành viên trong gia đình. 3 bé nhỏ chỉ sốt nhẹ 1 – 2 ngày là hết, còn vợ tôi cứ chiều đến là khó thở, 5 ngày sau mới về 1 vạch”.

Những ngày không quên

BV dã chiến số 5 là một trong những BV dã chiến đóng cửa trễ nhất vào ngày 19.1 vừa qua. Các BS của BV Răng Hàm Mặt TP.HCM quay trở lại với công việc thường ngày nhưng những ký ức về cuộc chiến với Covid-19 không thể nào quên.

BV dã chiến số 5 tạm ngưng hoạt động, nhưng các y bác sĩ luôn sẵn sàng khi có lệnh kích hoạt trở lại

BVCC

BS Dương Minh Tùng cho hay, không như các bệnh khác, người nhiễm Covid-19 gần như đều có chung triệu chứng, ai cũng như ai ở thời điểm đó. Thời điểm căng thẳng nhất, một số BV điều trị Covid-19 bệnh nhân phải nằm ra bên ngoài phòng cấp cứu. BV dã chiến số 5 chưa gặp phải tình trạng này nên một số bệnh nhân đón taxi đến trước cổng BV dã chiến số 5 rồi lững thững xin vào điều trị. Có bệnh nhân vừa tới cổng thì không thở được, ngay lập tức được BS đặt nội khí quản, chuyển gấp sang BV Nguyễn Tri Phương.

Còn theo ĐD Như Quỳnh, có những bệnh nhân điều trị khỏi nhưng xin ở lại vì về phòng trọ sợ không được vào, có người thì ở lại làm tình nguyện viên, giúp đỡ những người đang điều trị.

Y bác sĩ cho biết chưa từng nghe được điều gì phàn nàn từ bệnh nhân trong BV dã chiến số 5

BVCC

“Có bệnh nhân xuất viện ngay lúc còn phong tỏa, không tìm được xe đã đi bộ về Bình Định. Đi tới Đồng Nai được một người cho chiếc xe đạp, anh đạp về tới nhà mới gọi báo cho BS điều trị. Lúc đó chúng tôi vừa bất ngờ vừa mừng cho anh, hỏi anh sao không báo ngay lúc vừa ra viện để chúng tôi hỗ trợ mà anh chỉ cười. Với người bệnh lúc đó, được về với gia đình, được gặp gia đình là điều quan trọng nhất”, ĐD Quỳnh bộc bạch.

BV dã chiến tạm đóng cửa, cuộc chiến với Covid-19 của y bác sĩ BV Răng Hàm Mặt TP.HCM tạm gác lại, y bác sĩ đã được trở về bên gia đình, bù đắp khoảng thời gian xa nhà.

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2, xin gửi lời tri ân đến những người hùng áo trắng xông pha tuyến đầu, ngày đêm giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.