Trường bóng đá đặc biệt
16 giờ 30, sau buổi tập chiều vào ngày đầu hè oi ả ở sân vận động tỉnh Bắc Giang, các cầu thủ nhí đang thu dọn bóng để chuẩn bị ra về. Phía cuối sân, một cái bóng nhỏ bé vẫn đang miệt mài tập chạy. Phía trong lớp áp đẫm mồ hôi bởi các bài tập đan xen kéo dài suốt một tiếng, từ ép dẻo, chuyền bóng, phối hợp nhóm đến dứt điểm, là một ước mơ trở thành cầu thủ đang ươm mầm từng ngày.
Cầu thủ nhỏ bé mang số áo 71 ấy mang tên Phạm Thành Minh. Những người lần đầu gặp sẽ ấn tượng với Thành Minh bởi phong thái hơi nhút nhát, nhỏ nhẹ, nhưng đã quen thân rồi là... nói không ngớt. Còn khi vui, là nở nụ cười rạng rỡ tới mang tai. Y như cựu danh thủ Phạm Thành Lương, bố của em.
Con trai của Thành Lương được bố gửi gắm lên Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Bắc Giang từ giữa năm 2023 để tập luyện cho khỏe người và có thêm bạn bè mới. 2 tuần đầu, Thành Minh hôm nào cũng... khóc vì nhớ nhà, muốn về với bố mẹ. Nhưng chỉ sau vài tháng, Minh không còn khóc.
"Con còn thấy nhớ nhà, hay muốn về nhà nữa không?", một thầy giáo hỏi Thành Minh. Đáp lại là câu trả lời "đanh thép": "Con muốn ở đây, vì con thấy vui".
Thành Minh không phải con trai tuyển thủ duy nhất đang tập luyện tại Bắc Giang. Mà Nguyễn Hải Nam, con trai Nguyễn Hải Huy, cũng được gửi gắm với giấc mơ theo nghiệp quần đùi áo số giống bố.
Ngôi trường bóng đá mà con trai Hải Huy, Thành Lương đang tập luyện là Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Bắc Giang, một trong những lò đào tạo vệ tinh của CLB Hà Nội. Các cầu thủ từ lứa U.9 đến U.13 được đào tạo tập trung và sàng lọc liên tục. Đến năm 13 tuổi, những cầu thủ chất lượng và tiềm năng nhất sẽ được tuyển chọn để đưa về Hà Nội, tiếp tục đào tạo nâng cao nhằm phục vụ nguồn cầu thủ cho các đội U.15, sau đó đến U.17, U.19 và U.21.
Với Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Bắc Giang, CLB Hà Nội trở thành đội bóng đầu tiên đào tạo theo mô hình tập trung liên tục từ U.9 cho đến khi thi đấu chuyên nghiệp, theo một quy trình liền mạch, thống nhất có sàng lọc hàng năm. Năm 2023, đội U.9 Hà Nội dù vừa thành lập, đã lên ngôi vô địch giải U.9 toàn quốc.
Bên cạnh Thành Minh và Hải Nam, là hơn 150 học viên "phủ" khắp 5 độ tuổi (từ U.9 đến U.13) đang theo học bóng đá, trên mặt sân cỏ nhân tạo chuẩn FIFA có diện tích 105 m x 68 m dùng cho mục đích thi đấu, cùng 4 sân tập có kích thước 105 m x 68 m, hệ thống phòng tập thể lực đa năng, trung tâm y học, hội trường, bếp ăn và phòng ở đạt chuẩn.
Kỷ luật là sức mạnh
Đào tạo trẻ giống như ươm mầm hạt giống. Cây càng non, càng dễ uốn nắn. Tuy nhiên cần điều kiện tiên quyết, đó là khuôn khổ kỷ luật chuẩn chỉ ngay từ lúc đầu, để các cầu thủ nhí đi vào khuôn phép.
Đó là nếp sống mà Phạm Thành Minh hay Nguyễn Hải Nam học được từ những ngày đầu học bóng đá. Không còn được cưng chiều như khi ở nhà, mà phải tuân theo kỷ luật tập thể. Dù là con trai của cầu thủ nổi tiếng cũng không có ngoại lệ.
Đúng 6 giờ 30, các cầu thủ nhí dậy vệ sinh cá nhân, dọn dẹp chăn gối, xuống điểm danh để ăn sáng và đi học. Các cầu thủ sẽ không ùa vào nhà ăn, mà xếp hàng đi theo nhóm. U.10 và U.11 vào trước, đi thành từng nhóm vào đúng số bàn đã chuẩn bị sẵn. Sau khi hai lứa này dùng bữa xong và rời nhà ăn, sẽ đến U.12 và U.13 xếp hàng bước vào.
Hay đầu giờ chiều, sau khi ăn uống, nghỉ ngơi, các cầu thủ sẽ chia nhau quét hành lang, phơi quần áo, dọn giày dép cẩn thận. "Chúng con được các thầy dặn kỹ phải làm gì vào khung giờ nào, theo thời gian biểu sẵn có hàng ngày", một tuyển thủ nhí chia sẻ.
Đúng 14 giờ, trước ca học buổi chiều, toàn đội sẽ xếp hàng, điểm danh, rồi cắp sách đến ngôi trường chỉ cách trung tâm vài bước chân. Đây là những chi tiết nhỏ, nhưng phản ánh triết lý đào tạo cầu thủ: dù ở "tuổi ăn tuổi lớn", các cầu thủ thường có cá tính, mong muốn "nổi loạn", mỗi cá nhân là một tính cách không giống nhau, nhưng mấu chốt để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp phải là đức tính kỷ luật, chuyên nghiệp được rèn giũa khi còn nhỏ. Khi cầu thủ đã "vào khuôn", công việc huấn luyện cũng dễ dàng hơn.
"Chúng tôi đã đi đến 19 tỉnh thành phía Bắc để tìm kiếm các tài năng nhí triển vọng, rồi tuyển chọn qua 4 vòng. Sau khi tuyển đủ số lượng 'măng non', trung tâm xây dựng giáo án tập luyện cho từng lứa tuổi. Đơn cử có lứa U.9, khi các em vừa rời xa gia đình, phải vào đây sống tự lập thì sẽ có phương pháp huấn luyện đặc thù, khác với các lứa khác. Chúng tôi nghiên cứu đặc trưng nếp sinh hoạt, tâm sinh lý của từng độ tuổi để bổ sung cho phù hợp.
Các thầy dạy bóng đá sẽ ở luôn tại trung tâm để sát sao với cầu thủ, uốn nắn, dạy dỗ các em từ trong đến ngoài sân cỏ. Những bài học không thuần túy chỉ có bóng đá. Mà ở đây, các HLV còn là người cha, người mẹ để lắng nghe tâm tư của các em, là người bạn để cùng giãi bày, chia sẻ, với quan điểm lắng nghe mà không áp đặt.
Ở độ tuổi mới lớn, các em có những tâm tư, đôi khi hờn dỗi, buồn phiền, khi ấy HLV phải đứng ra dung hòa, bảo ban, uốn nắn những 'cây non' trở nên cứng cáp và trưởng thành hơn mỗi ngày. Đó là những điều mà Thành Lương, Hải Huy kỳ vọng khi gửi gắm con trai tập luyện ở đây, cũng là trách nhiệm của chúng tôi", ông Hồ Văn Thắng, một trong các HLV ở trung tâm chia sẻ.
Không thành công cũng thành nhân
Với các cầu thủ nhí ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Bắc Giang, cuộc cạnh tranh để bước vào tuyến trẻ chính thức của CLB Hà Nội sẽ rất khốc liệt. Với tần suất sàng lọc của một trung tâm đào tạo bóng đá thông thường, sẽ chỉ có khoảng 10 đến 15 trong số 150 học viên tại đây có thể bước tiếp lên lứa U.15, U.17, còn để lên đội 1, con số còn giảm hơn nữa.
Phía trước phòng ở của các cầu thủ nhí ở trung tâm là bức tường lớn, nơi đặt tấm pano về những ngôi sao từng trưởng thành từ hệ thống đào tạo trẻ của CLB Hà Nội như Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Thành Chung, Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng. Hay lứa gần nhất của đội Hà Nội đang sắm vai trụ cột U.23 Việt Nam như Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Văn Tùng, Quan Văn Chuẩn... cũng trở thành thần tượng của lứa trẻ.
"Con muốn một ngày được như các chú Văn Tùng, Văn Trường, được khoác màu cờ sắc áo Việt Nam", một học viên nhí khẳng định "tròn vành rõ chữ". Những đứa trẻ ôm mộng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp hiểu rằng, chặng đường dài đến đâu cũng phải bắt đầu từ những bước đi đầu tiên. Đó là những bước nhỏ, như tự tay dọn dẹp tủ quần áo, giữ ngăn nắp phòng ở, sinh hoạt điều độ, đến những bước đi lớn hơn là đổ mồ hôi trên sân tập, nỗ lực để mỗi ngày tiến đến gần ước mơ thêm một chút.
Vậy còn những đứa trẻ sẽ không trở thành cầu thủ chuyên nghiệp thì sao? Câu trả lời là: sẽ trở thành công dân tốt, dù không còn theo con đường bóng đá mà lựa chọn một hướng đi khác.
Ở trường dạy bóng đá đặc biệt ở Bắc Giang, các cầu thủ nhí theo học chương trình tiểu học, trung học cơ sở như bất cứ đứa trẻ nào khác. Thay vì sắp xếp lịch tập bóng đá rồi "điền" lịch học vào, các cầu thủ sẽ ưu tiên việc học văn hóa trường lớp, rồi khoảng thời gian rảnh mới sắp xếp lịch tập. Ngoài 6 buổi học chính khóa, mỗi tuần các em còn được học 2 buổi tiếng Anh.
"Ở đây, bên cạnh việc học ở trường điểm tại Bắc Giang, các cầu thủ sẽ được dạy kỹ lưỡng về đạo đức, văn hóa, lối sống, kỷ luật, rồi kỹ năng bóng đá mới là yếu tố cuối cùng kéo theo", HLV Hồ Văn Thắng khẳng định.
Những học viên lúc 14 giờ còn mặc áo trắng quần đen và quàng khăn đỏ, đến 16 giờ đã ra sân tập luyện được định hướng phải thành công dân tử tế trước khi làm cầu thủ tốt, để sau này nếu không theo nghiệp đá bóng, các học viên cũng có nền tảng kiến thức để vươn tới bất cứ lựa chọn nào.
"Với nền tảng giáo dục và đạo đức tốt, các em sẽ định hướng được tương lai cho mình. Trở thành cầu thủ hay thành bất kỳ ai cũng được, miễn đóng góp cho xã hội", HLV Hồ Văn Thắng đánh giá.
20 giờ 30, khi tiết học tiếng Anh trôi về cuối, Quang Bách vẫn học say sưa. Khi được hỏi ước mơ của mình, Bách nói dõng dạc: "I want to be a football player in the future" (trong tương lai, con muốn trở thành cầu thủ bóng đá. Ngoài kỹ năng chơi bóng, Bách còn được đánh giá cao ở khả năng giao tiếp tự tin, vốn tiếng Anh tốt.
Hay với Nông Việt Hoàng, một học viên đến từ Cao Bằng, là khả năng tính nhẩm ấn tượng. Mỗi khi nói tên năm, cậu có thể tính toán trong đầu rằng đây là năm bao nhiêu. Đơn cử, Việt Hoàng chỉ cần chưa tới 10 giây để nhẩm tính năm Mậu Thân gần nhất là 1968, hay năm Mậu Thìn là 1988.
"Con học kỹ năng tính nhẩm từ mẹ. Mẹ con làm nghề bán hàng, nên luôn phải tính toán. Mẹ đã dạy con những mẹo để tính, từ số năm, số tuổi đến những thứ có ích khác", Việt Hoàng kể lại.
Óc tính toán thông minh giúp Việt Hoàng đạt giải ba cuộc thi toán cấp trường. Trong những đứa trẻ ở đây, Việt Hoàng không phải học viên duy nhất đá bóng tốt, mà học văn hóa cũng giỏi.
21 giờ 15, sắp đến giờ đi ngủ, Phạm Thành Minh vẫn say mê đánh cầu lông cùng bạn bè. Không còn những đêm khóc rưng rức vì nhớ nhà, con trai Thành Lương đã tự tin hòa nhập cùng tập thể, rồi say mê lăn lộn với trái bóng trên sân. Hệt như bố mình của 20, 30 năm trước.
"Thành Minh có niềm đam mê bóng đá cùng gen đá bóng con nhà nòi. Dù không thuận chân trái giống bố, nhưng Minh rất nhanh, nhạy bén, xử lý bóng thông minh và có nhiều ý tưởng", HLV Hồ Văn Thắng khẳng định.
Thành Minh không chịu áp lực theo nghiệp bóng đá. Khi hỏi về mục tiêu, em chỉ đáp ngắn gọn: "Con sẽ cố gắng hết sức".
Còn nếu không thành cầu thủ chuyên nghiệp như bố thì sao? Chẳng sao cả. Những đứa trẻ như Thành Minh sẽ trở thành công dân tốt, làm đẹp cho đời theo một cách khác.
Bình luận (0)