'Bệnh' của sinh viên giỏi, tốt nghiệp trường lớn: Chỉ thích làm phòng máy lạnh

Hà Ánh
Hà Ánh
31/05/2019 15:23 GMT+7

'Bệnh' chỉ thích làm phòng máy lạnh dù lương thấp hơn của nhiều người trẻ đã được các nhà tuyển dụng thẳng thắn chỉ ra trước đại diện các trường ĐH.

Sáng nay 31.5, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức “Nâng cao năng lực cho sinh viên đáp ứng nhu cầu xã hội, doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay” với sự tham dự của đại diện nhiều trường ĐH và doanh nghiệp.

Thích phòng máy lạnh dù lương thấp hơn

 

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Triệu Thông, Trưởng phòng Tuyển dụng Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) có những chia sẻ rất thật về “bệnh” của người trẻ khi tham gia tuyển dụng hiện nay.

Ông Thông nói, là một doanh nghiệp với hơn 18.000 lao động nhưng doanh nghiệp này hiện thiếu nhân sự ở một số vị trí. Sinh viên mới ra trường có thể được trả lương từ 5,5-6 triệu đồng/tháng và thưởng 5-6 tháng lương/năm nhưng vẫn không tuyển được.

Từ kinh nghiệm 6 năm làm công tác tuyển dụng, ông Thông nói: “Cả nước ta theo thống kê năm ngoái có hơn 270.000 sinh viên ra trường không có việc làm nhưng thực tế ở đơn vị bán lẻ hiện rất thiếu nhân sự. Nguyên nhân ở đây là lệch đào tạo từ nhà trường, lệch trong lựa chọn trường ĐH của sinh viên...”.

Không dừng lại ở đó, ông Thông bình luận tiếp: “Nhiều người trẻ ra trường đang đánh giá sai về công việc mình sẽ làm. Họ sẵn sàng làm kế toán ngồi trong phòng máy lạnh để hưởng lương 5 triệu đồng/tháng nhưng từ chối làm công việc bán hàng với lương 7-8 triệu đồng/tháng”.

Đại diện doanh nghiệp phát biểu trong hội thảo Hà Ánh
 

Thực tế từ Saigon Co.op, ông Thông cho biết, đơn vị này sẵn sàng mời các sinh viên tốt nghiệp từ các trường lớn về làm giám sát, quản lý bán hàng với lương 8-10 triệu đồng/tháng nhưng họ từ chối. Để thay thế cho đội ngũ này, đơn vị này buộc phải tìm đến những sinh viên từ các trường tốp dưới, trường dân lập hoặc bậc CĐ.

Ở điểm này, ông Thông nhấn mạnh: “Thích làm công việc văn phòng, ngồi trong máy lạnh là 'bệnh' của nhiều sinh viên giỏi, tốt nghiệp từ các trường lớn. Ở họ đang có tâm lý ra trường phải làm công ty lớn để giá trị bản thân cao hơn”.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Bình An, Giám đốc khối nội vụ Hoa Sen Group, cho biết việc tuyển dụng khá khó khăn ở những vị trí liên quan đến kinh doanh dù thu nhập khá hấp dẫn. Tình trạng này xảy ra vì suy nghĩ môi trường làm việc tiếp thị phải lăn lộn bên ngoài và giá trị bản thân không cao bằng công việc ngân hàng, quản lý.

5 kỹ năng lao động trẻ cần trang bị

Ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch CLB Nhân sự Việt Nam, cho biết tuyển dụng nhân viên hiện nay không còn giới hạn trong nước mà đã mở rộng ra nước ngoài.

“Nếu không tìm được người Việt Nam thì doanh nghiệp sẵn sàng mở rộng tuyển dụng ra nước ngoài. Ngay cả nhân lực trong các nhà hàng khách sạn, các vị trí bếp trưởng hiện rất ít người Việt Nam”, ông Phúc chia sẻ.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thành Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị tri thức TP.HCM, để chuẩn bị hành trang cho thị trường lao động ngày nay, sinh viên cần trang bị đủ 5 kỹ năng. Trong đó, quan trọng nhất là năng lực hợp tác - năng lực mà sinh viên hiện còn rất thiếu do cách đào tạo hiện nay.

Thứ 2 là tư duy phản biện, đó là khả năng nhận biết vấn đề đa chiều. “Một nhân viên có kỹ năng này có thể phải đặt 5 lần các câu hỏi trước khi đặt vấn đề đó lên người sếp của mình để cùng giải quyết”, ông Tùng minh họa.

Theo ông Tùng, các kỹ năng tiếp theo cần có gồm: kỹ năng sáng tạo, kỹ năng giao tiếp và năng lực học tập suốt đời. Trong đó, kỹ năng giao tiếp được hiểu là năng lực lắng nghe và thấu hiểu, phản hồi khi nghe, giao tiếp một cách tích cực.

Theo ông Nguyễn Triệu Thông, các trường ĐH cần có những hoạt động định hướng chọn trường, ngành học và giá trị công việc sau khi ra trường. Đặc biệt là có những định hướng về các công việc hiện còn thiếu nhân lực, chẳng hạn ngành đang 'nóng' nhất là mảng bán lẻ nhưng ít trường đào tạo chuyên sâu về mảng này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.