Bệnh cúm

14/01/2012 02:52 GMT+7

Cục Y tế dự phòng vừa khuyến cáo về cúm do vi rút mới xâm nhập.

Chủng vi rút mới

Ông Trần Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết Bộ Y tế đã yêu cầu các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur trong nước tăng cường giám sát các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng, các trường hợp viêm phổi nặng và giám sát những trường hợp nghi nhiễm cúm tại các cửa khẩu quốc tế, để sớm phát hiện trường hợp nhiễm cúm mới S-OtrH3N2 (tái tổ hợp từ chủng cúm A/H1N1 năm 2009 và cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ heo). Triệu chứng chính của bệnh là sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, một số trường hợp có triệu chứng thở nông, tiêu chảy... Lo ngại là chủng vi rút cúm mới này đã kháng với 2 trong số 4 loại thuốc phòng và điều trị nhiễm vi rút cúm A.

 
Cúm thường xảy ra trong mùa lạnh - Ảnh: T.Tùng

Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết 3 trường hợp cúm nhiễm vi rút mới biến đổi do Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh (Mỹ) phát hiện và thông báo hồi cuối tháng 11 vừa qua đều đã khỏi bệnh và không phát hiện thêm trường hợp mới. Tuy nhiên, nguy cơ vi rút cúm biến đổi thành chủng mới là luôn xảy ra. “Bản chất của sinh vật là biến đổi nhằm thích nghi với điều kiện bên ngoài để tồn tại, chống lại môi trường sống luôn biến đổi bởi sự tấn công của các thuốc, các vắc xin do con người tạo ra. Vi rút cúm vốn thường xuyên thay đổi. Nhưng lo ngại nhất là vi rút này có thể biến đổi bởi sự kết hợp với một chủng vi rút khác để tạo thành một chủng mới gây khó khăn cho kiểm soát dịch”, ông Bình nói.

Đích tấn công khác nhau

Ông Nguyễn Văn Bình đánh giá, vi rút cúm A/H1N1 trước đây nay đã trở thành chủng lưu hành, có khả năng lây lan nhanh. Các nghiên cứu trong nước nhận thấy, vi rút cúm có biến đổi “trượt” một chút so với đầu vụ dịch. Dù chưa biến đổi nhiều để thành một chủng mới nhưng nguy cơ xuất hiện chủng mới luôn có thể xảy ra, bởi về bản chất, vi rút cúm là luôn biến đổi. Do vậy mà vắc xin cũng phải được cập nhật liên tục để phù hợp với chủng vi rút mới. Trong một số trường hợp khi các chủng vi rút kết hợp lại với nhau độc lực cũng giảm hơn, nhưng có trường hợp việc kết hợp sẽ tạo thành chủng mới mạnh hơn.

Theo TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, giám sát cúm quốc gia cho thấy tại thời điểm này có 40% cúm A/H1N1; 40% cúm B và 20% A/H3N2. Vi rút cúm A/H1N1 chưa có biến đổi so với đầu vụ dịch, chưa có sự kết hợp vật liệu di truyền của cúm A/H1N1 với cúm A/H3N2.

Theo các chuyên gia, mỗi chủng vi rút cúm có đích tấn công khác nhau. Nếu cúm mùa (là các chủng cũ vẫn lưu hành) thường tấn công ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, làm suy giảm hệ miễn dịch nên dễ làm bệnh cảnh nặng hơn, đặc biệt bệnh đường hô hấp liên quan đến nhiễm vi rút cúm A có thể gây viêm phổi nặng, thậm chí tử vong. Trong khi đó, cúm A/H1N1 thường ở người trẻ, nên chủng này là nguy cơ cho người mắc bệnh mãn tính như béo phì, tim mạch, tiểu đường và phụ nữ mang thai. Nhiều ca tử vong nhiễm vi rút cúm A/H1N1 là những trường hợp như vậy. 

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.