Dịch hạch thể phổi là bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra (vi khuẩn được Alexandre Yersin phát hiện năm 1894 tại Hong Kong).
Dịch hạch đã xuất hiện từ thời cổ xưa, tồn tại đến hiện nay và trong vòng 2.000 năm qua đã gây bốn trận đại dịch với số tử vong khủng khiếp trong lịch sử nhân loại. Nhất là hai đại dịch vào thế kỷ 6 làm chết gần 40 triệu người và thế kỷ 14 nổi tiếng với tên “trận dịch đen” thời Trung cổ, được ước tính gây tử vong cho khoảng 25 triệu người châu u, 40 triệu người châu Á, châu Phi. Bệnh dịch hạch được đặc biệt chú ý trở lại trong thời gian gần đây do có mối lo ngại vi khuẩn Yersinia pestis có thể được sử dụng như một loại vũ khí sinh học trong cuộc chiến khủng bố.
Đây là loại bệnh của thú vật truyền sang người. Nguồn gốc bệnh từ thú vật hoang (thường là loài gặm nhấm), sau đó lan truyền sang thú vật khác, đặc biệt là chuột, và lây sang người thông thường qua trung gian truyền bệnh là bọ chét. Thể bệnh lý thường xảy ra trên người là viêm hạch cấp tính (gần 90% các trường hợp), các thể nhiễm trùng huyết, thể phổi, viêm màng não ít gặp hơn.
Nguy cơ do điều trị trễ
Cách lây truyền Yersinia pestis từ chuột sang người thông thường là do bọ chét hút máu chuột bệnh, chuột bệnh sau đó bị chết, bọ chét sẽ rời xác chuột, nhảy đi tìm một con chuột khác để sống ký sinh và có thể cắn người, gây lây nhiễm bệnh. Bệnh nhân sẽ mắc bệnh dịch hạch thể hạch với hai triệu chứng nổi bật là sốt cao và sưng hạch (hạch bẹn, nách, cổ) rất cấp tính.
Trong thập niên 1960-1970, VN là nước đã báo cáo có số bệnh nhân dịch hạch nhiều nhất nhì thế giới với nhiều ngàn trường hợp xảy ra hằng năm. Vụ dịch lớn xảy ra gần đây vào các năm 1975-1978, dịch hạch bộc phát và lan rộng tại hầu hết các tỉnh thành phía Nam và một số tỉnh phía Bắc. |
Với dịch hạch thể phổi, bệnh lây do Yersinia pestis (có trong đàm dãi, chất tiết đường hô hấp của người bệnh) bắn ra khi ho, khạc, xâm nhập đường hô hấp hoặc kết mạc mắt của người lành.
Riêng dịch hạch thể phổi (hay viêm phổi dịch hạch) có thể xảy ra theo hình thức thứ phát hoặc tiên phát:
- Dịch hạch thể phổi thứ phát: là biến chứng nặng của dịch hạch thể hạch do người bệnh không được điều trị hoặc điều trị trễ (thường sau 3-4 ngày). Bệnh nhân sốt cao, đau ngực, khó thở, ho khạc đàm có lẫn máu, diễn tiến nhanh chóng đến suy hô hấp cấp và tử vong. Đàm bệnh nhân có chứa nhiều Yersinia pestis.
- Dịch hạch thể phổi tiên phát: ít gặp hơn thể phổi thứ phát. Thời gian ủ bệnh ngắn (khoảng vài giờ), sau đó sốt cao vọt, rét run, nhức đầu, hạ huyết áp, đau tức ngực, khó thở, ho gia tăng dần kèm khạc đàm lẫn máu và tử vong nhanh trong vòng 2-6 ngày trong bệnh cảnh suy hô hấp.
Phải thông báo dịch quốc tế
Bệnh dịch hạch không được điều trị trong quá khứ đã gây tử vong với tỉ lệ hơn 50% các trường hợp. Từ năm 1948, kháng sinh Streptomycin được dùng làm thuốc điều trị chọn lọc đã giúp hạ tỉ lệ tử vong của bệnh còn dưới 5%.
Hiện tại, các loại kháng sinh được sử dụng điều trị hiệu quả bệnh dịch hạch đều là những loại thông thường có sẵn tại các bệnh viện như: Streptomycin, Gentamycin, Chloramphenicol, Tetracycline, Doxycycline, Trimethoprim-Sulfamethoxazole, Kanamycin. Riêng đối với thể nặng như thể phổi, cùng với kháng sinh cần kết hợp với các biện pháp hồi sức hô hấp tuần hoàn tích cực.
Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới, những nước có bệnh dịch hạch phải thông báo dịch quốc tế. Tại Trung Quốc, theo Tân Hoa xã, bệnh nhân đầu tiên tử vong bởi đợt bùng phát dịch hạch thể phổi ở Ziketan là một người đàn ông chăn nuôi gia súc 37 tuổi, chết vì lây bệnh từ con chó của ông bị bọ chét nhiễm bệnh cắn. Một ngày sau đó người hàng xóm 84 tuổi của ông này cũng lây bệnh qua đời.
Thêm một người chết vì bệnh dịch hạch thể phổi Mỹ Loan |
PGS.TS Nguyễn Trần Chính
(giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM)/ Tuổi Trẻ
Bình luận (0)