TS-BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện (BV) Các bệnh nhiệt đới quốc gia cho biết, gần đây xuất hiện các trường hợp bệnh nhân nhập viện do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn. Những trường hợp này đều ở các địa phương hiện đang có dịch lợn tai xanh như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Nguyên...
Bệnh nhân nam là chủ hàng bán lòng lợn, tiết canh (nhà ở Thanh Trì, Hà Nội), điều trị tại BV kể lại: “Sáng trước hôm nhập viện 3 ngày tôi thấy lạnh, tay chân run rồi lên cơn sốt rất cao, trên 39 độ C. Đầu đau dữ dội, đau cứng cổ gáy. Khi vào viện thì được chẩn đoán viêm não do vi khuẩn ở lợn lây sang. Chưa bao giờ tôi bị như thế, trước giờ tôi rất khỏe mạnh”. Còn người nhà của bệnh nhân Nguyễn Văn T. (Thái Nguyên) cho biết, sau 3 ngày ăn thịt lợn, T. có biểu hiện bệnh. T. vào viện trong tình trạng sốt rất cao, mê man. Khắp hai chân là những ban xuất huyết rất to màu xám đen, bong tróc. Sau 2 tuần điều trị, trí nhớ của anh mới bắt đầu hồi phục một phần nhưng thể trạng còn rất yếu.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Kính, trước nhập viện, các trường hợp bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn đều tiếp xúc với lợn mắc bệnh, ăn thịt lợn bệnh, sử dụng thực phẩm chưa được chế biến kỹ...
Vi khuẩn gây bệnh
“Vi khuẩn liên cầu lợn tấn công người sẽ gây biểu hiện ban đầu là sốt rất cao. Tiếp đó, bệnh nhân có thể bị viêm màng não, viêm phổi, suy gan, suy đa phủ tạng. Vì thế bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn thường gặp ở các thể bệnh viêm màng não và nhiễm trùng huyết hoặc kết hợp cả hai thể bệnh trên. Người bệnh có thể tử vong nếu không được điều trị sớm”, TS-BS Nguyễn Văn Kính nói. Còn bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc BV Các bệnh nhiệt đới quốc gia cho biết, bệnh nguy hiểm bởi có diễn biến nhanh, chỉ trong vòng 12-24 giờ đã có thể rất nguy hiểm, bệnh nhân rơi vào sốc do nhiễm trùng huyết.
|
Vi-rút gây bệnh tai xanh không lây từ lợn sang người. Nhưng, khi lợn bị nhiễm vi-rút gây bệnh tai xanh thì sức khỏe của lợn yếu đi, lúc này liên cầu khuẩn lợn (vẫn thường “cư trú” trong họng của lợn) sẽ mạnh hơn và gây bệnh. Người ăn phải hoặc tiếp xúc với lợn mắc bệnh sẽ bị lây nhiễm. Các bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn nặng điều trị tại viện bị nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm màng não mủ.
Bác sĩ Hồng Hà khuyến cáo, với bệnh này, người bệnh không được tự điều trị tại nhà, nguy hiểm, vì nó dễ nhầm với bệnh sốt xuất huyết (do có nổi ban xuất huyết trên da). Ban do sốt xuất huyết là những nốt nhỏ, còn ban do liên cầu khuẩn lợn gây nên là những mảng xuất huyết lớn sau đó thâm đen. Ngoài ra, việc xác định người nhiễm liên cầu khuẩn lợn khó vì dễ nhầm với bệnh viêm màng não và nhiễm trùng huyết.
Cần biết, sau khi dùng thịt hoặc tiếp xúc với lợn, nếu thấy có triệu chứng sốt cao, nhức đầu, nôn nhiều, đau họng, cần nhập viện ngay. Khi giết mổ hoặc tiêu hủy lợn nhiễm bệnh phải sử dụng đồ bảo hộ. Tuyệt đối không ăn thịt lợn nhiễm bệnh, thịt chưa nấu chín. Vi khuẩn liên cầu lợn có thể sống 2 tuần trong các chất thải của lợn ngoài môi trường và chỉ chết ở nhiệt độ cao hoặc trong chất sát khuẩn.
Liên Châu
Bình luận (0)