Mới nhất là việc Ngân hàng Nhà nước gia hạn đổi mã BIN đến hết ngày 31.12.2012. Thời điểm hết hạn trước đó là ngày 31.6.2011. Như vậy, thời gian "cao su" cho việc này lên tới 1,5 năm. Lý do gia hạn là nhiều chủ thẻ không đến làm thẻ mới. Tất nhiên, việc gia hạn này cũng chẳng gây ra hậu quả gì lớn lao ngoài việc các NH sẽ vẫn không thể kết nối hệ thống thanh toán. Mà điều này thì họ đã chịu đựng nhiều năm rồi. Có chịu thêm 1 - 2 năm nữa chắc cũng không sao. Điều đáng nói là quy định đổi mã BIN đã được NHNN triển khai cách đây... 3 năm. Quãng thời gian không hề ngắn nhưng kết quả vẫn là... gia hạn thêm. Có sao đâu, đầy việc quan trọng cũng gia hạn thêm được, huống hồ chi việc này. Tương tự, Chính phủ cũng vừa cho phép lùi thời hạn xử phạt đối với xe không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình ("hộp đen") thêm 2 năm (1.7.2013) thay vì ngày 1.7 tới cũng khiến các doanh nghiệp vận tải thở phào nhẹ nhõm. Nhẹ nhõm bởi họ "vi phạm hợp pháp" quy định về điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh vận tải là phải có hợp đồng và bản nghiệm thu việc lắp đặt thiết bị này trên các phương tiện vận tải. Trước đó, quy định tài xế lái xe container phải có bằng FC thậm chí được gia hạn tới 3 lần. Còn nhớ khi quy định đến gần đến ngày có hiệu lực năm 2010, từ tài xế, doanh nghiệp, các hiệp hội... đều than khóc với những lời thống thiết. Nào là sau một đêm ngủ dậy, 70% tài xế xe tải thất nghiệp; Nào là hàng hóa sẽ dồn ứ tại các cảng, nhà máy... Thế là lại gia hạn. Để đáp ứng nhu cầu học và thi lấy bằng lái FC lúc đó, hàng loạt trung tâm dạy, thi đã ra đời nhưng rồi rơi vào tình trạng... không có học viên vì chẳng mấy tài xế chịu đi học. Có hề chi, đã gia hạn được lần này thì sẽ gia hạn được lần khác. Đó là lý do, đã gia hạn tới lần thứ 3 nhưng đến ngày 1.7 tới khi quy định này có hiệu lực, rất nhiều tài xế vẫn chưa có bằng FC...
Một quy định, chính sách trong quá trình soạn thảo đã được tham khảo, nghiên cứu, lấy ý kiến của các doanh nghiệp, những đối tượng liên quan. Thời gian ban hành, thời gian có hiệu lực cũng phải tính toán một cách khoa học, đủ cho các đối tượng thụ hưởng chuyển đổi và thực hiện. Việc gia hạn chỉ trong trường hợp bất đắc dĩ. Nếu chúng ta cứ nhân nhượng và gia hạn tràn lan như hiện nay sẽ tạo tâm lý ỷ lại, thói quen "nước đến chân vẫn không thèm nhảy" cho những người thụ hưởng khi đối diện với các quy định, chính sách mới.
Quan trọng hơn, việc thực hiện đúng, nhất quán các quy định, chính sách còn thể hiện tầm nhìn, tính nghiêm túc của chính cơ quan ban hành các quy định, chính sách này.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)