TP.HCM giữa vùng dịch
Ngay khi phát hiện đàn heo bệnh tại TP.HCM, các biện pháp phòng chống dịch đã được triển khai nhằm khống chế không cho virus phát tán thành ổ dịch. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh heo tai xanh tại TP.HCM là rất lớn.
Ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM - đánh giá: Bệnh heo tai xanh là dịch bệnh nguy hiểm lây lan nhanh, nên khi vừa phát hiện có virus PRRS (virus bệnh heo tai xanh) trong huyết thanh những con heo của các hộ chăn nuôi tại hai phường thuộc Q.12, Chi cục Thú y TP.HCM đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khoanh vùng, phong tỏa, tiêu hủy tất cả số heo nhiễm virus và những con heo cùng chuồng, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực để ngăn chặn không cho thành ổ dịch.
Hiện nay, tình hình dịch heo tai xanh đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Ngoài số heo từ các hộ chăn nuôi của TP.HCM thì nguồn thịt heo vào TP.HCM còn đến từ các tỉnh: Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang. Đây là những tỉnh đều đã công bố có dịch heo tai xanh tại một số xã, huyện.
Trong đó, mỗi ngày có đến hơn 2.300 con heo được nhập từ Đồng Nai vào TP.HCM, chiếm 30,86% tổng số nguồn thịt heo từ các tỉnh được đưa về TP.
Ngoài ra, những ngày vừa qua, có thêm nguồn heo từ các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận được đưa vào TP.HCM. Đây là các tỉnh, thành giáp ranh với tỉnh Đồng Nai nên Chi cục Thú y sẽ kiểm soát chặt chẽ nguồn heo từ các tỉnh này khi vào TP.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y TP.HCM, tính từ ngày 29.7 - 4.8: Chi cục Thú y đã tịch thu và tiêu hủy 2.436 kg thịt heo, 124 con heo sữa không rõ nguồn gốc và xử lý 92 vụ vi phạm trong việc kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch và các hành vi vi phạm khác.
Ông Thảo cho biết, Chi cục Thú y TP.HCM đã làm việc với các Chi cục Thú y tỉnh, thành có nguồn heo cung cấp cho TP.HCM trong việc phối hợp kiểm soát chặt chẽ chất lượng heo nhập vào thị trường TP.HCM.
Bên cạnh đó, Chi cục Thú y TP.HCM đề nghị các hộ chăn nuôi phải có ý thức tự phòng chống dịch bệnh để bảo vệ đàn heo của mình cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, không để xuất hiện heo bệnh trên thị trường.
Cả nước đối phó với heo tai xanh
Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống kê được hiện nay, trên cả nước, dịch heo tai xanh đang xảy ra ở 227 xã, 33 huyện của 13 tỉnh, thành với hơn 43.000 con heo mắc bệnh và hơn 22.000 con heo bị tiêu hủy.
Từ cuối tháng 6, dịch đã xuất hiện ở nhiều tỉnh ĐBSCL và đang có chiều hướng gia tăng. Đây là khu vực có đàn heo nuôi tập trung với số lượng lớn. Các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Long An, Bạc Liêu đã công bố dịch. Đến nay, tiếp tục các tỉnh ở miền Đông Nam Bộ là Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước công bố có heo tai xanh. Khu vực miền Trung thì Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng đã xuất hiện heo bệnh. Vì vậy, nguy cơ lan rộng dịch là rất cao.
Ngày 5.8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ thị đến các tỉnh, thành trong cả nước tăng cường công tác phòng chống bệnh tai xanh.
Theo đó, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần yêu cầu các UBND tỉnh, thành nhanh chóng thành lập Ban chống dịch, thực hiện các biện pháp ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan. Chi cục Thú y địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên toàn địa bàn tỉnh, thành; rà soát tiêm phòng vắc-xin cho đàn lợn, yêu cầu tỷ lệ tiêu phòng phải đạt trên 80% so với tổng đàn tại vùng tiêm. Ngoài ra, các địa phương phải thiết lập các chốt kiểm dịch tạm thời trên các trục giao thông. Ở các xã có dịch, cấm vận chuyển gia súc bệnh ra ngoài ổ dịch.
Nguyên Mi
Bình luận (0)