Bệnh kéo dài

16/01/2014 01:11 GMT+7

Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, để đỡ tốn kém, phần lớn người dân, mỗi khi có bệnh thường tự mua thuốc về tự chữa, chỉ khi bệnh trầm trọng mới đến bác sĩ, hay vào bệnh viện. Việc tự chữa bệnh lâu dần thành thói quen của người Việt trong sử dụng thuốc trị bệnh.

Việc tự mua và sử dụng thuốc một cách bừa bãi dẫn đến uống thuốc không đúng, không đủ liều, ngưng thuốc khi bệnh chưa thật sự khỏi đã khiến cho vi trùng, vi khuẩn lờn thuốc, kháng thuốc (khi thuốc bị vi khuẩn đề kháng thì lần sau uống sẽ giảm hoặc không còn tác dụng trị bệnh nữa). Chưa nói, tình trạng rất phổ biến ở ta là “dược sĩ làm bác sĩ”, dược sĩ, thậm chí dược tá ở nhà thuốc cũng tự làm bác sĩ chẩn bệnh, kê toa. Ngay cả “bác sĩ làm dược sĩ” - vừa kê toa vừa bán thuốc cũng là không đúng chuyên môn, và là nguyên nhân khiến người bệnh sử dụng thuốc trị bệnh không hợp lý và an toàn.       

PGS-TS Trương Văn Tuấn (Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TP.HCM) cho rằng: “Tình trạng sử dụng thuốc và thực trạng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ở VN là rất đáng báo động. Việc sử dụng thuốc bừa bãi và nhiều yếu tố khác như mua bán thuốc không cần toa bác sĩ là những nguyên nhân gây kháng thuốc, khiến việc điều trị bệnh kéo dài”.

Một biểu hiện dễ thấy là trong tiết trời lạnh kéo dài những tuần qua khiến nhiều người viêm họng, viêm phế quản, cảm cúm. Điều đáng nói là, so với trước đây cảm cúm, viêm họng thường chỉ diễn tiến độ 4 - 5 ngày, nếu không điều trị thì nhiều người cũng khỏi bệnh, nhưng nay nhiều người bệnh thường bị kéo dài hơn 10 ngày đến cả 2, 3 tuần.

Mặc dù ngoài những yếu tố do kháng thuốc nói trên, PGS- TS Trương Văn Tuấn còn cho rằng, nếu chúng ta mắc các bệnh thông thường mà bệnh lâu khỏi hơn so với trước đây còn có thể là do những yếu tố khác như: biến chuyển của môi trường, thời tiết; chế độ ăn uống, sinh hoạt (việc tập thể dục vận động thân thể, ngủ, nghỉ…) có sự thay đổi - đây cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến chuyện bệnh kéo dài lâu khỏi. 

Trong một thông cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát đi gần đây, WHO xếp VN vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới. Ở khía cạnh bệnh lao phổi, VN đứng thứ 14 trong số 27 quốc gia bị gánh nặng do bệnh lao kháng thuốc.

WHO cho rằng, kháng kháng sinh là hậu quả của nhiều yếu tố, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do việc sử dụng thuốc không hợp lý, không đúng cách - dùng quá liều, thiếu liều hay sai liều. Kháng thuốc cũng xảy ra do người bệnh tự điều trị, và dược sĩ bán thuốc không cần kê đơn.

Chính kháng thuốc khiến bệnh kéo dài, và nguy cơ người bệnh tử vong khi mà các bệnh nhiễm khuẩn bởi vi khuẩn kháng thuốc gây ra không còn điều trị hiệu quả nữa.

Vậy nên trong tiết trời khó chịu như bây giờ, không chỉ phải chịu khó giữ gìn sức khỏe mà ngay khi sức khỏe có vấn đề - dù nhỏ - cũng cần được điều trị đúng cách và khoa học.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.