Bệnh lạ bùng phát trở lại

17/04/2012 03:35 GMT+7

Chiều 16.4, Trung tâm y tế huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) cho biết, thêm 1 bệnh nhân mắc bệnh lạ tử vong.

Bệnh lạ (viêm da bàn tay, bàn chân không rõ nguyên nhân) khiến cho ông Phạm Văn Đát (46 tuổi, ở thôn Làng Rêu, xã Ba Điền) bị tử vong vào chiều 15.4 tại Bệnh viện đa khoa Bình Định.

 
Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân bị viêm da bàn tay, bàn chân tại Bệnh viện Quy Hòa - Ảnh: Hoàng Trọng

Như vậy, tính đến thời điểm này, đã có 8 trường hợp tử vong do bệnh lạ, khiến người dân địa phương rất hoang mang, lo sợ.

Lan rộng

Căn bệnh lạ xuất hiện vào năm 2011 tưởng đã được chữa dứt, nay đang bùng phát trở lại. Nếu trước đó, Làng Rêu, xã Ba Điền (H.Ba Tơ, Quảng Ngãi) được xem là “cái rốn” của bệnh lạ thì nay đã nhanh chóng lan đến nhiều xã khác thuộc hai huyện Ba Tơ và Minh Long của tỉnh Quảng Ngãi.

Điều đáng ngại là bệnh có thêm nhiều biểu hiện mới khiến các bác sĩ rất vất vả trong quá trình điều trị. Từ đầu năm 2012 đến nay, chỉ tại xã Ba Điền (huyện Ba Tơ) có 68 trường hợp mắc mới, 28 trường hợp tái phát và 7 người tử vong. Đối với trẻ em, mặc dù tỷ lệ mắc bệnh chiếm chưa đầy 20% nhưng số tử vong rất cao, 4/8 trường hợp. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh lạ được đưa vào Bệnh viện Phong - da liễu T.Ư Quy Hòa (đóng tại Quy Nhơn, Bình Định) chữa trị.

So với cuối năm 2011, số ca nhập viện tại Bệnh viện Quy Hòa tăng chóng mặt, từ 13 lên 84 ca, với nhiều biểu hiện phức tạp, khó lường. Cao điểm nhất là trong hai ngày 13-14.4, 4 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Quy Hòa bỗng sốt cao, co giật, tụt huyết áp đột ngột, giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng đông máu... Bệnh viện đã huy động hầu hết các bác sĩ túc trực 24/24, tiến hành nhiều biện pháp cấp cứu.

Bộ Y tế vào cuộc

Những ngày qua Bộ Y tế cử các chuyên gia đầu ngành về da liễu, y học lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, chống độc và huyết học tiến hành khảo sát thực địa tại xã Ba Điền - địa phương đang bùng phát “bệnh lạ” để tìm nguyên nhân căn bệnh. Đoàn công tác của Bộ Y tế đã khám sàng lọc, cấp thuốc, lấy mẫu máu, tóc, da cùng mẫu đất, nước và thực phẩm để khoanh vùng điều trị và tìm độc tố gây bệnh. Tuy nhiên, đến chiều 16.4, vẫn chưa có kết luận cụ thể về căn nguyên của bệnh.

Trong khi đó, việc điều trị căn bệnh này đang nảy sinh nhiều yếu tố phức tạp. Nhiều chùm bệnh xuất hiện không đồng nhất, không theo một quy luật nào với hàng loạt biểu hiện khác nhau như các triệu chứng viêm gan, hủy hoại tế bào gan, rối loạn chức năng đông máu, suy hô hấp...

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc Bệnh viện Quy Hòa, để tránh nguy cơ nhiễm bệnh, người dân phải làm tốt công tác vệ sinh môi trường ở nơi sinh sống; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; chế độ dinh dưỡng hợp lý... Nếu bị bệnh thì cần phải được phát hiện sớm, chữa bệnh phải kịp thời. Những trường hợp bị nhiễm bệnh nặng, phải lọc máu liên tục thì nên đưa đến các trung tâm y tế tại Hà Nội, TP.HCM, Huế... có máy móc, phương tiện hiện đại để chữa trị.

Hiển Cừ - T.T.Duyên - Hoàng Trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.