Bệnh lạ ở các nhà máy châu Á

26/09/2011 16:38 GMT+7

Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho hay đã tìm được nguyên nhân đằng sau căn bệnh lạ đang hoành hành tại các nhà máy ở Campuchia.

Gần đây, báo đài Campuchia liên tục đưa tin những vụ đổ bệnh tập thể ở các nhà máy sản xuất giày dép và quần áo trong nước. Các công nhân nữ cho hay họ cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt và buồn nôn. Thậm chí phần lớn còn cam đoan mình muốn xỉu đến nơi, nhưng trên thực tế chẳng ai ngã lăn trong lúc làm việc. Sau khi được nghỉ ngơi và uống thuốc, họ nhanh chóng hồi phục và trở lại xưởng may. Cho đến nay, các kết quả chưa cho thấy bất cứ trường hợp nhiễm độc hoặc môi trường nhà máy có vấn đề. Thế nhưng, liên tục từ tháng 6 đến nay đã có hơn 1.000 công nhân mắc căn bệnh lạ lùng trên.

 
Bệnh “lạ” thường xảy ra ở nữ giới - Ảnh: listverse.com

Ngất xỉu do dọa ma

Tại Việt Nam cũng đã xảy ra tình trạng nữ công nhân hoảng loạn hàng loạt. Như ngày 19.8.2011, tại khu vực sản xuất Công ty TNHH điện tử Foster Việt Nam (TP Đà Nẵng) một số nữ công nhân đã ngất xỉu do dọa ma lẫn nhau trong lúc làm việc. Khu vực này có khoảng 1.000 công nhân, khi sự việc xảy ra, đám đông tập trung lại xem dẫn đến xỉu hàng loạt. Sau đó, ban giám đốc công ty cho 6.000 nữ công nhân ở công ty ra về khiến tình trạng ngất xỉu lan sang các phân xưởng, khu vực nhà máy khác. (Nguyễn Tú)

Sau khi các bác sĩ và chuyên gia địa phương bó tay, đội ngũ khoa học gia LHQ bắt đầu vào cuộc. Tuy nhiên, thay vì tìm kiếm các nguyên nhân từ thể chất, các nhà khoa học cho rằng cội rễ căn bệnh có liên quan đến đầu óc của con người. Cách lý giải nghe có vẻ hợp lý nhất là các công nhân trên mắc chứng tạm gọi là “hoảng loạn hàng loạt”. Nhiều người nhầm lẫn về nguyên nhân và bản chất của hội chứng này, dẫn đến kết luận sai lầm rằng các nạn nhân đã dựng chuyện, giống như trường hợp bệnh giả đò chứ chẳng có bệnh tật gì. Các chuyên gia khẳng định các triệu chứng mà những nạn nhân cảm thấy đều là thật. Trên thực tế, có hẳn những đặc điểm nhận dạng căn bệnh khó lý giải, theo giải thích của ông Benjamin Radford, Phó tổng biên tập tạp chí khoa học Skeptical Inquirer.

Hoảng loạn hàng loạt thường bắt đầu khi các cá nhân đối mặt với sức ép và chuyển sức ép này thành căn bệnh về thể xác. Đồng nghiệp, gia đình và bạn bè của họ cũng có thể thể hiện những triệu chứng tương tự thông qua tiếp xúc. Ổ dịch thường bùng nổ trong môi trường khép kín, như trường học, bệnh viện và nơi làm việc. Hội chứng này thường ảnh hưởng đến phái yếu hơn là cánh đàn ông, có thể là do căn bệnh lây lan thông qua các mối quan hệ xã hội và nữ giới thường có các ràng buộc xã hội mạnh hơn nam giới. Thông thường, các nạn nhân cam đoan họ ngửi phải mùi lạ, hoặc âm thanh lạ, ánh sáng lạ. Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất xảy ra vào năm 1997 ở Nhật Bản, khi hàng ngàn người tuyên bố mình đột ngột ngã bệnh sau khi hứng phải các ánh sáng chói lóa từ phim hoạt hình Pokémon. Chỉ có một số ít bệnh nhân thật sự lên cơn động kinh, còn phần lớn mắc chứng hoảng loạn hàng loạt.

Vẫn chưa có biện pháp chữa trị cụ thể nào cho căn bệnh đó. Và các nạn nhân thường không chấp nhận rằng chính áp lực khiến họ ngã bệnh, mà họ thường đổ cho một hiện tượng lạ lùng nào đó. Theo chuyên gia Radford, trừ phi các nhà điều tra tìm thấy một nguyên nhân khác gây ra bệnh lạ, chứng hoảng loạn hàng loạt là cách giải thích hợp lý nhất trong trường hợp các bệnh nhân ở Campuchia.

Hạo Nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.