"Ở bệnh đái tháo đường, không chỉ cần bác sĩ giỏi, mà cần lắm là làm sao để người bệnh có thông tin, hiểu được bệnh, hiểu về dinh dưỡng, sinh hoạt, biết theo dõi, chăm sóc bệnh, thì việc điều trị mới thành công", GS-TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, chia sẻ tại buổi đưa vào sử dụng ứng dụng thông minh cho người đái tháo đường (iCare+), do Hội và Sanofi Việt Nam tổ chức ngày 14.9, tại TP.HCM.
Theo GS-TS Trần Hữu Dàng, hiện tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người trưởng thành tại Việt Nam là 7,3% (tương đương gần 5 triệu người). Số người bệnh không được chẩn đoán, phát hiện chiếm khoảng 50%; trong số người mắc bệnh, số được điều trị đúng chỉ khoảng hơn 36%.
Tương tự, TS-BS Trần Văn Nam, Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện đại học Y Dược TP.HCM cho biết, chỉ khoảng 1/3 bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam được phát hiện, chẩn đoán; 55% người mắc bệnh có biến chứng, nhiều nhất là biến chứng lên tim mạch (chiếm 34%), kế đến là biến chứng lên thần kinh…
Quản lý được bệnh rất quan trọng
GS-TS Trần Hữu Dàng thông tin, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bên cạnh việc điều trị, chăm sóc bệnh từ chuyên gia y tế, thì việc tự quản lý bệnh ở mỗi người bệnh đái tháo đường có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh và ngăn ngừa biến chứng lâu dài.
Để người bệnh có thông tin kiến thức theo dõi, kiểm soát bệnh tốt thì cần truyền thông, tư vấn cho họ, hoặc có những kênh thông tin, hay ứng dụng công nghệ hướng dẫn họ về chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện, dùng thuốc hiệu quả để kiểm soát đường huyết tối ưu nhất.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh đái tháo đường
Khánh Vy
TS-BS Trần Văn Nam cho rằng, việc quản lý bệnh đái tháo đường, chế độ ăn uống, tập luyện rất quan trọng, nó giúp quyết định thành công trong điều trị, còn thuốc chỉ chiếm một phần trong điều trị.
TS-BS Nam chia sẻ thực tế, rằng tình trạng bác sĩ quá tải, nên mỗi lần bác sĩ tiếp xúc tư vấn cho người bệnh chỉ được vài phút. Bình quân mỗi năm người bệnh đái tháo đường tiếp xúc bác sĩ chưa đến 1 giờ đồng hồ.
Do vậy, cần cung cấp thông tin, kiến thức về theo dõi bệnh, đường huyết, triệu chứng, sinh hoạt… cho người bệnh qua các kênh thông tin khác, ngoài việc bác sĩ, nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp, là rất cần thiết. Khi kỹ năng theo dõi, chăm sóc của người bệnh tốt sẽ giúp bác sĩ điều trị thành công hơn.
Theo TS-BS Trần Văn Nam, với người bệnh đái tháo đường, việc tập luyện phù hợp nhất là đi bộ, đạp xe đạp, giúp cải thiện về tim mạch; hoặc tập kéo dây đàn hồi, tập yoga…
Bình luận (0)