Sáng nay, 16.3, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 chính thức công bố về ca ghép này. Trước đó, ngày 26.2, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam. Tạng hiến được tiếp nhận từ một người hiến 40 tuổi, chết não.
Các bác sĩ cho biết, trước khi được ghép phổi, bệnh nhân Hanh được chẩn đoán bị suy hô hấp nặng do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối. Tình trạng của bệnh nhân rất nghiêm trọng, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Ghép phổi là cơ hội duy nhất để giành lại sự sống cho người bệnh, nhưng cũng là thách thức lớn với các thầy thuốc.
Ca ghép phổi được thực hiện với sự hỗ trợ của 3 chuyên gia ghép tạng, gây mê của Pháp và Bỉ. Thành công của ca phẫu thuật là thành quả của suốt hơn 1.000 ngày chuẩn bị về nhân lực, trang thiết bị của tập thể y, bác sĩ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108.
Để chuẩn bị cho ca ghép lịch sử này, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã huy động lực lượng hùng hậu lên đến 60 người thuộc Ban Chỉ đạo, Ban Điều phối - thư ký, Đơn vị ghép phổi của Trung tâm ghép tạng Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, bên cạnh đó có sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu về gây mê hồi sức và ghép phổi nước ngoài.
|
“Đây không chỉ là ca ghép phổi từ người cho chết não đơn thuần mà là trường hợp ghép đa tạng cho nhiều người trong cùng thời gian rất ngắn từ một người hiến (phổi, tim, thận, 2 giác mạc). Trong đó, tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, các kíp phẫu thuật thực hiện ghép phổi cho bệnh nhân Hanh, ghép thận cho 1 bệnh nhân khác và ghép giác mạc cho 2 bệnh nhân có bệnh ký giác mạc. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) lấy tạng bảo quản, vận chuyển tạng vào TP.HCM để thực hiện ghép thận và tim cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy”, trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 - vị tổng chỉ huy điều hành cuộc ghép phổi, cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, trước cuộc ghép, ngay sau đám tang bé Hải An (bé gái 7 tuổi tại Hà Nội hiến tặng giác mạc sau khi qua đời do bệnh ung thư), gia đình một quân nhân đã liên lạc với trung tâm bày tỏ nguyện vọng hiến tạng sau khi quân nhân này bị chết não. “Ngay khi nhận được ý nguyện vô cùng cao đẹp, nhân văn của gia đình, chúng tôi đã liên lạc với các trung tâm ghép tạng tại các bệnh viện lớn để tiếp nhận tạng hiến ghép cho người phù hợp tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 và Bệnh viên Chợ Rẫy", bác sĩ Phúc cho hay.
Sự chuẩn bị chu đáo, đồng bộ tất cả các khâu, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, bệnh viện và đặc biệt là tấm lòng của thân nhân người lính không may chết não đã giúp cứu sống 4 bệnh nhân (1 ca ghép phổi, 1 ca ghép tim, 2 ca ghép thận) và giúp 2 người khác nhìn thấy được nhờ được ghép giác mạc .
Các bác sĩ thực hiện ca ghép thông báo, bệnh nhân sau khi ghép phổi được điều trị tích cực, có sự phối hợp nhiều chuyên khoa. Một tuần sau ca ghép, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Hanh tiến triển tốt. Các chi phí ghép hoàn toàn miễn phí. Thuốc thải ghép được bảo hiểm y tế thanh toán.
Theo các bác sĩ, với ghép phổi, 90% sống thêm 1 năm sau ghép, và 70% sống 2 năm sau ghép.
Bình luận (0)