DIỄN TIẾN ÂM THẦM
N.T.M.T (nữ, 20 tuổi, sinh viên ĐH Đà Nẵng) có biểu hiện chóng mặt, mệt mỏi, chán ăn, thiếu máu…, đi khám và thực hiện các xét nghiệm tại Bệnh viện (BV) Đà Nẵng thì phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối. T. bắt đầu chạy thận nhân tạo, lọc máu 2 lần/tuần để duy trì sự sống.
V.P.T.T (29 tuổi, nam, ngụ Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) cũng phát hiện bệnh khi có những dấu hiệu bất thường của cơ thể. Kết quả cho thấy T. bị suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, nhưng may mắn hơn là bệnh nhân (BN) này được ghép thận sau đó.
Có một nhóm BN còn lại dưới 35 tuổi được phát hiện bệnh thận thông qua khám sức khỏe định kỳ. Cụ thể là qua xét nghiệm máu, nước tiểu, phát hiện sớm những bất thường về thận (như tăng creatinin máu và tăng protein trong nước tiểu…), bất thường về cấu trúc thận trên siêu âm (như teo thận, tắc nghẽn thận, khối u ở thận…).
"BN có những bất thường về thận này sẽ có chiến lược quản lý tối ưu bằng các liệu pháp như điều chỉnh dinh dưỡng, lối sống phù hợp, tránh các thuốc hại cho thận, sử dụng các thuốc chuyên khoa nhằm làm giảm sự tiến triển của bệnh thận mạn, kiểm soát tốt các biến chứng cũng như nguyên nhân suy thận, giảm các kết cục của bệnh thận, nâng cao chất lượng sống cho BN", TS-BS Đặng Anh Đào, Trưởng khoa Nội thận - Nội tiết (BV Đà Nẵng), cho biết.
Theo BS Đào, điểm chung của bệnh thận là diễn tiến âm thầm, không có tiền sử, không có biểu hiện cảnh báo, đặc biệt là đang trẻ hóa. Nếu muốn phát hiện sớm, chỉ có thể chủ động khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc biến chứng bệnh thận ở nhóm có nguy cơ cao như gout, huyết áp, tiểu đường, yếu tố tiền sử gia đình…
"Tại BV Đà Nẵng có đầy đủ 3 phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối: chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, ghép thận. Hiện tại chúng tôi đang tiến hành chạy thận nhân tạo cho hơn 400 BN, lọc màng bụng cho 70 BN, đã tiến hành ghép thận cho 36 BN thận giai đoạn cuối", BS Đào thông tin.
NHÓM BỆNH GÂY TỬ VONG THỨ 5 TRONG NHỮNG THẬP NIÊN TỚI
Theo Hiệp hội Thận quốc tế (ISN), bệnh thận mãn tính ước tính ảnh hưởng đến hơn 850 triệu người trên toàn thế giới và đang là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 8 nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt, nó được dự đoán là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 5 trong khoảng hơn một thập niên tới. Tại VN có khoảng 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính, với khoảng 8.000 ca mắc mới mỗi năm.
Theo các BS chuyên khoa thận, nỗ lực điều trị BN thận mãn tính tập trung vào việc chuẩn bị nguồn nhân lực, thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng để đảm bảo các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hay ghép thận. Tuy nhiên, tiếp cận hợp lý (gồm phát hiện sớm và sử dụng thuốc hợp lý) trong chăm sóc và điều trị mới chính là cách để ngăn ngừa, giảm tiến triển bệnh, và giảm thiểu các biến chứng như bệnh tim mạch và suy thận, giảm nguy cơ cao biến chứng tử vong, giảm gánh nặng xã hội toàn cầu, cuối cùng là tăng chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ cho người mắc bệnh thận.
"Tại BV Đà Nẵng, chúng tôi thực hiện tầm soát bệnh thận mạn ở các đối tượng có nguy cơ cao; tăng cường truyền thông cho BN về dinh dưỡng, lối sống, tuân thủ các điều trị của BS; tiếp cận sử dụng các liệu pháp mới trong làm chậm sự tiến triển bệnh thận mạn như thuốc ức chế men SGLT2; có câu lạc bộ bệnh thận mạn để kết nối, tư vấn, quản lý điều trị, quản lý biến chứng...", BS Đào chia sẻ.
Đặc biệt, Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc - BV Đà Nẵng đầu tư hơn 400 tỉ đồng vừa đi vào hoạt động cuối tháng 2.2024, mở ra cơ hội ghép thận nói chung và ghép tạng nói riêng cho BN khu vực miền Trung.
Bình luận (0)