Bệnh nhân than phiền bệnh viện ở TP.HCM quá tải, phải mua thuốc bên ngoài

Duy Tính
Duy Tính
25/07/2023 17:24 GMT+7

Tại cuộc họp trực tuyến với các bệnh viện ở TP.HCM, đơn vị trực thuộc, Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận còn một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Chiều 25.7, Sở Y tế TP.HCM họp trực tuyến với các bệnh viện ở TP.HCM và đơn vị trực thuộc về sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành y tế TP.HCM.

TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM mở đầu cuộc họp bằng việc điểm qua công tác phòng chống dịch bệnh 6 tháng đầu năm 2023.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM có 8.982 ca sốt xuất huyết, giảm hơn 66% so với cùng kỳ 2022, không có ca tử vong (cùng kỳ 2022 có 12 ca tử vong); có 8. 675 ca tay chân miệng, thấp hơn so với cùng kỳ 2022 nhưng gia tăng ca nặng. Sở Y tế đang dự trù thuốc để điều trị các ca bệnh tay chân miệng nặng mà phần lớn các tỉnh chuyển về.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nhận định 2 loại dịch bệnh này đang nguy cơ gia tăng trong thời gian tới, nhưng TP.HCM sẽ kiểm soát tốt không để dịch chồng dịch, nhưng cần sự quyết liệt của các địa phương và chung tay của người dân.

TP.HCM: Bệnh nhân than phiền bệnh viện quá tải, phải mua thuốc bên ngoài - Ảnh 1.

Trẻ mắc tay chân miệng nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1

D.T

Về khám chữa bệnh, 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn TP.HCM có hơn 17,7 triệu lượt khám chữa bệnh ngoại trú, tăng 20% so với cùng kỳ 2022. Trong đó có hơn 8,6 triệu lượt khám ngoại trú bảo hiểm y tế, tăng 35%. Bên cạnh đó, có hơn 1 triệu lượt điều trị nội trú, tăng 11%. Trong đó có hơn 677.300 lượt điều trị nội trú bảo hiểm y tế, tăng 19%.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đánh giá công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế dần phục hồi gần bằng so với trước đại dịch Covid-19.

Điều vui của ngành y tế và bệnh nhân là 6 tháng đầu năm 2023, các bệnh viện của TP.HCM cũng đã đưa vào các khối nhà mới, chuyên sâu như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Pháp y, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2… Cùng với đó, nhiều bệnh viện đạt được các tiêu chuẩn, kỹ thuật chuyên sâu tầm quốc tế về tim mạch, giải phẫu bệnh, đột quỵ…

TP.HCM: Bệnh nhân than phiền bệnh viện quá tải, phải mua thuốc bên ngoài - Ảnh 2.

Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình luôn quá tải

D,T

Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM cũng nhìn nhận còn những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước, công tác khám chữa bệnh phục vụ người dân.

Đó là còn tình trạng thẩm mỹ "chui" thách thức cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức đề nghị cung cấp tất cả cơ sở làm đẹp trên địa bàn mà UBND các địa phương cấp phép (gần 6.500 cơ sở).

Danh sách này sẽ được Sở Y tế TP.HCM đưa lên cổng thông tin điện tử để người dân biết cơ sở nào thì được làm những gì và chọn lựa, tránh bị dẫn dụ. Nếu cơ sở làm không đúng phạm vi được cấp phép thì người dân đánh giá, phản hồi về cho cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, bệnh nhân phản ánh 2 bệnh viện quá tải (Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Mắt TP.HCM); phản ánh 1 vài bệnh viện dù bệnh nhân có bảo hiểm y tế nhưng vẫn phải ra ngoài mua thuốc…

Tại cuộc họp, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định tính đến hiện nay, hệ thống y tế TP.HCM vẫn đứng vững và phục hồi hoạt động sau đại dịch Covid-19. Nhiều văn bản pháp lý mới giải quyết được nhiều khó khăn trong đấu thầu, mua sắm, giá viện phí nhưng không loại trừ gặp nhiều vướng mắt, nhưng giám đốc các bệnh viện phải làm, gặp khó khăn thì có kiến nghị.

6 tháng cuối năm 2023, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục triển khai 28 nhóm nhiệm vụ quan quản lý nhà nước, khám chữa bệnh tại các bệnh viện… Trong đó, ngành y tế nhận được nhiều đơn đặt hàng của lãnh đạo TP.HCM và sẽ thực hiện tốt cùng với sự nỗ lực của các đơn vị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.