Bênh ông Thaksin, Pheu Thai dọa đưa chuyện luật ra Liên Hiệp Quốc

20/07/2017 10:30 GMT+7

Đảng Pheu Thai phản đối luật mới của Thái Lan được cho là nhắm mục tiêu triệt đường về nước của ông Thaksin Shinawatra và dọa đưa chuyện này ra Liên Hiệp Quốc.

Hội đồng lập pháp quốc gia (NLA) Thái Lan hồi tuần qua đã thông qua một dự luật cho phép tòa tối cao đưa ra xét xử những nhà lãnh đạo chính trị quốc gia bất chấp người này có mặt ở tòa hay không. Dự luật cũng cho phép hồi tố những nhà lãnh đạo chưa được xét xử hoặc đã lãnh án.
Dự luật được cho là nhắm vào cựu thủ tướng đang sống lưu vong ở nước ngoài ông Thaksin, người bị tòa Thái Lan tuyên phạt 2 năm tù về tội tham nhũng sau khi bị quân đội lật đổ hồi năm 2006.
Các nhà phân tích dự đoán Tòa tối cao xét xử những nhà lãnh đạo chính trị quốc gia sẽ mở lại phiên tòa để xử ông Thaksin với những tội danh nhưng vì ông vắng mặt nên đã không diễn ra.
Đảng Pheu Thai hôm qua 18.7 chính thức lên tiếng chỉ trích dự luật, cho rằng đó là bước lùi trong luật pháp của Thái Lan, vi phạm nhân quyền Liên Hiệp Quốc và hiến pháp của nước này.
“Cho phép xử vắng mặt và áp dụng luật hồi tố đối với những hành vi xảy ra trước khi luật ra đời là việc làm vi phạm nhân quyền và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đất nước. Chúng tôi sẽ kiện ra tòa Hiếp pháp và đưa chuyện này lên Tổ chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc”, ông Chusak Sirinil, Trưởng phòng pháp lý của đảng Pheu Thai phát biểu trong buổi họp báo với sự hiện diện đầy đủ các lãnh đạo của đảng này.
Pheu Thai phủ nhận thông tin cho rằng việc lên tiếng phản đối dự luật nhằm bênh vực ông Thaksin. Cựu thủ tướng Thaksin, anh trai của cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra, dù sống lưu vong ở nước ngoài nhưng được cho là đang dẫn dắt Pheu Thai, đảng có nhiều ân oán với chính quyền quân sự đang nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Trong khi đó, ông Abhisit Vejjajiva, lãnh đạo của đảng đối lập Dân chủ, bày tỏ sự ủng hộ đối với dự luật, cho rằng không vi hiến. Theo cựu thủ tướng này, điều mới trong dự luật, tức xử vắng mặt mà Pheu Thai chỉ trích không đi ngược lại nhân quyền được Liên Hiệp Quốc công nhận, bởi lẽ theo ông nhiều quốc gia ở châu Âu đang áp dụng điều luật này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.