Các khu cắm trại ở thành phố Khan Younis của Gaza hiện là nơi ở của nhiều người chạy trốn các trận bắn phá của Israel.
Lúc này, các bác sĩ cho biết nhiều bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu bệnh tật do không gian chật hẹp và điều kiện vệ sinh kém.
Khi viện trợ đến vùng đất này, bao gồm cả các loại thuốc, tiếp tục bị hạn chế, một cuộc khủng hoảng y tế có thể sẽ sớm xảy ra.
Chị Sojood Najm cùng chồng và 3 đứa con ở chung căn lều này với 4 gia đình khác. Họ ngủ trên mặt đất và không có đủ chăn để dùng.
"Tôi ở trong lều này 9 ngày rồi, thậm chí tôi còn không thể tắm cho con. Đi tìm nước cũng không thấy. Nếu có thì chỉ còn nửa chai thôi và tôi phải tắm cho con ngoài lều ngoài trời. Tôi dùng chai nước để rửa sạch mọi thứ, tay bọn trẻ, người bọn trẻ, ít nhất là để cho cát trôi đi. Tôi còn không thể tắm cho con, tôi không có nước, tôi không có nơi để tắm, không tìm được áo quần sạch, không có nơi sạch sẽ để ngồi lên. Tôi lo cho con của tôi, bọn trẻ ho và chảy mũi vào ban đêm, con trai lớn thì bị hen suyễn", chị Najm chia sẻ.
Bộ Y tế Gaza cho biết số người Palestine thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel đang lên tới gần 6.000 người.
Israel đã không kích ồ ạt vào Gaza để trả đũa vụ tấn công của phiến quân Hamas ở Israel đầu tháng này, mà hậu quả là hơn 1.400 người thiệt mạng và hơn 200 người bị bắt làm con tin.
Mặc dù các gia đình hy vọng những nơi trú ẩn tạm thời này ít nhiều sẽ mang đến sự an toàn trước bom đạn, nhưng các cơ quan y tế cho biết những nơi này là môi trường hoàn hảo để lây lan bệnh tật.
Các bác sĩ đã cảnh báo rằng các thiết bị quan trọng như lồng ấp cho trẻ sơ sinh có nguy cơ ngừng hoạt động khi các bệnh viện hết nhiên liệu để sử dụng máy phát điện.
Theo Bộ Y tế do Hamas điều hành, 40 trung tâm y tế đã ngừng hoạt động vào thời điểm các cuộc bắn phá và di tản gây căng thẳng gia tăng cho hệ thống.
Nahed Abu Taaema, bác sĩ y tế công cộng tại Bệnh viện Nasser: "Sự đông đúc và thực tế là hầu hết các trường học đều là nơi tập trung đông người, đây là môi trường chính cho các bệnh lây lan, chẳng hạn như các vấn đề về dạ dày, nhiễm trùng phổi, phát ban và đây là những gì chúng tôi thấy ở hầu hết các bệnh nhân đến bệnh viện này để điều trị".
Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi cho phép dòng viện trợ liên tục vào Gaza.
Các cơ quan viện trợ cũng cảnh báo rằng một thảm họa nhân đạo đang diễn ra.
Giám đốc Tình trạng khẩn cấp khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới, Rick Brennan, cho biết chỉ có từ 1-3 lít nước mỗi ngày cho một người ở Gaza. Con số này thấp hơn nhiều lần so với mức tiêu chuẩn quốc tế là tối thiểu 15 l/ngày.
Ông Brennan nói: “Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng hầu như không có ai ở Gaza được tắm hoặc tắm đúng cách trong vài tuần qua. Chúng tôi vô cùng lo lắng về sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, chúng tôi đã nghe nói về việc gia tăng các ca nhiễm trùng đường hô hấp. Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ chứng kiến các đợt bùng phát bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng da,... Đó chỉ là vấn đề thời gian".
Bình luận (0)