Bệnh tay chân miệng có nguy cơ lan rộng

21/07/2011 00:23 GMT+7

Bệnh tay chân miệng (TCM) tiếp tục diễn biến phức tạp trên diện rộng, tăng cả số ca mắc và số tử vong...

20.000 ca mắc, 56 trẻ tử vong

Hôm qua 20.7, Phòng Cấp cứu (thuộc khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) cũng có nhiều bệnh nhi mắc TCM trong tình trạng nặng như những ngày trước. Bệnh nhi M.H (trai, 2 tuổi, nhà ở tỉnh Bạc Liêu) nhập viện hôm 17.7, nhưng đến sáng qua vẫn nằm li bì, sốt cao, khiến người nhà lo lắng.

Sáng cùng ngày, các bác sĩ của một số bệnh viện tỉnh thành phía Nam nhân chuyến công tác tại TP.HCM cũng đã đến khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 để xem xét tình hình trẻ mắc TCM nằm tại đây, đồng thời tìm hiểu thêm kinh nghiệm, ghi chép lại một số triệu chứng của những ca bệnh nặng điển hình, vì bệnh TCM hiện đang xảy ra ở nhiều tỉnh thành và diễn tiến phức tạp. Từ đầu tuần đến nay, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 ngày nào, mỗi nơi cũng có từ 160-180 trẻ mắc TCM nằm điều trị nội trú.

Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, số trẻ mắc TCM tiếp tục tăng trong tuần qua, hiện đã  lên đến 20.000 trường hợp, trong đó đã có 56 trẻ tử vong. Trong vòng 10 ngày qua ca mắc mới tăng thêm đến gần 4.000 trường hợp. Còn theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu vụ dịch TCM 2011 cho thấy, trẻ nam chiếm 69% số các ca tử vong; 51% trẻ tử vong từ 3-5 tuổi; 44,9% trẻ dưới 2 tuổi. Thống kê cho thấy, các trường hợp mắc và tử vong do bệnh TCM tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam, chiếm hơn 80% số mắc và chiếm gần 90% số tử vong của cả nước, tập trung nhiều nhất là TP.HCM, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Cà Mau, Ninh Thuận.

Bệnh còn tiếp tục gia tăng

Trước tình hình đó, hôm qua ông Trần Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã dẫn đầu đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại tỉnh Quảng Ngãi - địa phương có số mắc và tử vong do TCM cao nhất tại khu vực miền Trung. Cục cũng đã có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh gồm: Quảng Ngãi, Đồng Nai, Đà Nẵng đề nghị chủ động các biện pháp phòng chống bệnh TCM không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài; và đề nghị Sở Y tế TP.HCM - địa phương có số mắc và tử vong cao nhất nước (gần 5.000 ca mắc, 21 trẻ bị tử vong) khẩn cấp tăng cường giám sát, phòng chống bệnh TCM trên địa bàn, xử lý triệt để các ổ dịch, nhằm hạn chế số ca tử vong.

Cục đã cấp gần 13.000 kg Chloramin B cho các địa phương phục vụ công tác phòng chống dịch. Do diễn biến dịch phức tạp, 4 đoàn công tác của Cục liên tục sẽ có các hoạt động kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh TCM tại 12 tỉnh trọng điểm trong suốt tháng 7 và tháng 8.

Ông Nguyễn Văn Bình lưu ý, qua các đợt kiểm tra công tác phòng dịch tại các địa phương có số mắc/tử vong cao cho thấy, y tế các cấp cần tích cực tham mưu với chính quyền địa phương để công tác phòng chống dịch quyết liệt hơn. Theo ông Bình, các ca mắc liên quan nhiều đến vi-rút Entero 71, là vi-rút lây lan trong điều kiện vệ sinh kém.

Ngành y tế khuyến cáo, nguy cơ bệnh TCM còn tiếp tục gia tăng, lan rộng trong thời gian tới, nhất là tại các nhà trẻ, mẫu giáo và các khu vui chơi.

Tình hình căng thẳng!

Theo Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, những ngày qua, các bệnh viện trên địa bàn thường xuyên bị quá tải do mỗi ngày có tới khoảng 40 trẻ mắc bệnh TCM nhập viện. Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, tỉnh Đồng Nai có gần 1.500 ca mắc các bệnh về TCM, trong đó 99% số ca là trẻ em dưới 6 tuổi và đã có 13 trẻ bị tử vong. Để đối phó bệnh dịch,  Đồng Nai đã ban hành kế hoạch khẩn cấp phòng chống dịch bệnh TCM trên địa bàn và chi 1,5 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch.

Còn tại Bình Dương, Trung tâm y tế dự phòng cho biết đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có gần 1.000 ca mắc bệnh TCM, trong đó có 6 trường hợp đã tử vong. Theo ghi nhận của chúng tôi tại Khoa nhi (Bệnh viện đa khoa Bình Dương), nhiều trẻ em mắc bệnh phải nằm cả trên ghế bố ở hành lang. BS Lương Thị Hồng Lê - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương cho biết, đến thời điểm này số bệnh nhân mắc bệnh tăng cao hơn gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái và chưa có dấu hiệu thuyên giảm (khoảng 20 ca mắc bệnh/ngày).

Kim Cương - Tuy Phong

Thanh Tùng - Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.