Chỉ trong 2 tháng đầu năm, nhiều tỉnh ở ĐBSCL đã ghi nhận từ 200-500 ca mắc tay chân miệng (TCM) và nhiều trường hợp đã tử vong.
>> Bệnh nhân tay chân miệng tăng cao đột ngột
>> Nguy cơ tái bùng phát tay chân miệng
>> Bệnh tay chân miệng tăng trở lại
Theo đánh giá của ngành y tế các tỉnh ĐBSCL, năm nay bệnh TCM xuất hiện sớm và tăng cao đột biến. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ấn, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng (YTDP) tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm trước bệnh TCM bắt đầu xuất hiện ở Đồng Tháp từ tháng 5, nhưng ngay đầu năm nay, bệnh đã lan nhanh, trung bình mỗi tuần có khoảng 70 ca mắc, đột biến có tuần lên đến 330 ca. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có 500 ca mắc TCM và 1 ca tử vong, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Sở Y tế TP.Cần Thơ cho biết, tính đến cuối tháng 2, trên địa bàn đã phát hiện 334 ca mắc TCM, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái và 1 ca đã tử vong. Riêng Bệnh viện Nhi Đồng TP.Cần Thơ từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận điều trị 600 ca mắc TCM (3 ca tử vong). Cùng thời gian, tỉnh Vĩnh Long có 233 ca mắc TCM (1 ca tử vong). Bác sĩ Nguyễn Thành Nhôm, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long cho biết, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 5-6 ca TCM.
Ông Huỳnh Minh Trúc, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.Cần Thơ nhận định, bệnh TCM sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới, nhất là sắp bước vào đợt đầu tiên của mùa bệnh. Từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh TCM xuất hiện hầu hết ở cộng đồng dân cư, bên ngoài nhà trường. Điều này cho thấy, ý thức, kiến thức về phòng bệnh và nhận biết bệnh TCM của người dân rất hạn chế.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ấn cho biết, bệnh TCM lây lan từ người này sang người khác, chủ yếu qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết chứa vi rút gây bệnh. Từ người lớn đến trẻ em đều có thể bị mắc bệnh TCM, nhưng bệnh chỉ bộc phát mạnh đối với nhóm trẻ dưới 5 tuổi vì cơ thể đề kháng yếu. Tuy nhiên, những người lành (nhất là các bậc cha mẹ) mang trùng bệnh này mới chính là nguồn lây lan nguy hiểm mà chính bản thân họ cũng không hay biết. Điều này có thể lý giải vì sao nhiều trẻ chưa được đi nhà trẻ, không tiếp xúc với trẻ bị bệnh khác nhưng vẫn mắc TCM.
Quyết liệt kiểm soát bệnh tay chân miệng Sáng 2.3, tại Nhà hát TP.Hải Phòng, Bộ Y tế phối hợp với UBND thành phố phát động “Chiến dịch Quốc gia phòng, chống bệnh TCM”. Từ đầu năm 2012, cả nước đã ghi nhận gần 8.000 trường hợp mắc bệnh TCM tại 60 địa phương, trong đó 9 ca tử vong. Theo nhận định của cơ quan y tế, năm 2012 bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp trên diện rộng với số mắc cao. *Chiều 2.3, Sở Y tế Bình Định xác nhận trường hợp đầu tiên tử vong trong năm 2012 do bệnh TCM trên địa bàn tỉnh là cháu Đinh Thị Châu (2 tuổi, ở làng Kon Lót, xã Canh Liên, H.Vân Canh). Cháu Châu được đưa vào Trung tâm y tế H.Vân Canh ngày 15.2 sau một tuần có các triệu chứng khó thở, sốt cao, viêm phế quản. Ngay sau đó, cháu được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định và đã tử vong vào ngày 16.2. P.H.S - Trần Thị Duyên |
Đăng Thảo
Bình luận (0)