Bệnh tay chân miệng tăng kỷ lục

08/06/2011 15:56 GMT+7

(TNO) Số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tại TP.HCM trong tháng 5 đã vượt qua mức cao nhất kể từ khi bệnh này được đưa vào giám sát, phòng dịch tại VN, với số ca mắc tăng gần gấp đôi so với kỷ lục bệnh trước đó.

>> Tại sao bệnh tay chân miệng tăng chóng mặt?
>> Thêm 2 trẻ tử vong do bệnh tay chân miệng
>> Nhiều loại bệnh "vào mùa"

Xuất hiện chủng vi-rút mới

Sáng nay (8.6), Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, trong tháng 5.2011, TP.HCM có 1.433 ca mắc TCM, tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2010 và gấp hơn 2 lần so với tháng trước (tháng 4 có 640 ca).

 
Bệnh nhân tay chân miệng tăng mạnh - Ảnh: Nguyên Mi

Từ khi bệnh TCM được đưa vào giám sát, phòng dịch tại VN, theo ghi nhận của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, tháng 9.2008 là thời điểm TP.HCM có số ca bệnh cao kỷ lục với hơn 800 ca. Thế nhưng, số ca bệnh trong tháng 5 năm nay đã tăng gấp đôi so với tháng 9.2008 và là tháng có số ca bệnh cao nhất từ trước đến nay.

Đáng nói hơn, hiện nay, bệnh TCM đã xuất hiện chủng vi-rút mới mang tên EV71, thuộc tiểu nhóm B thay vì nhóm C như những trường hợp đã thấy ở VN trước đây.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 (TP.HCM), trung bình mỗi ngày có đến 100-120 trẻ đang nằm viện điều trị bệnh TCM. Đáng lo ngại là, số ca biến chứng nặng đang ở mức cao với trên dưới 10 ca nặng, nằm chật kín phòng cấp cứu, điều trị đặc biệt và phải thở máy.

Trong tháng 5, toàn TP.HCM đã có 7 trường hợp tử vong do bệnh TCM, đưa số tử vong do bệnh TCM tại TP.HCM từ đầu năm đến nay lên 12 ca. Số ca tử vong do bệnh TCM trong tháng 5 cao nhất từ trước đến nay (kỷ lục tháng 9.2008 là 6 ca tử vong).

Trong đó, tất cả các quận huyện tại TP.HCM đều có bệnh TCM, nhiều quận huyện số ca mắc bệnh TCM tăng gấp 3-4 lần tháng trước.

Còn lơ là trong phòng dịch

Ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết, bệnh TCM hiện chưa có thuốc phòng ngừa và chữa trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh ở mỗi hộ gia đình là: vệ sinh khử khuẩn môi trường; rửa sạch bàn tay trẻ và người chăm sóc trẻ, để bàn tay không mang con vi-rút này đưa vào cơ thể; vệ sinh hằng ngày, khử khuẩn hằng tuần đối với đồ chơi, vật dụng của trẻ cũng như môi trường trẻ sinh hoạt.

Bác sĩ Trần Thị Thúy, Phó trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyên phụ huynh: Nếu thấy trẻ có biểu hiện lở miệng, nổi hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, chân, gối, mông, kèm theo sốt cao liên tục, giật mình (nhất là khi ngủ), hốt hoảng, bứt rứt, run tay chân, đi đứng loạng choạng, ói nhiều, thở nhanh,… thì phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện để khám chữa. Trẻ nhập viện trễ, sốc thì rất khó cứu.

Trong khi đó, mặc cho chỉ đạo phòng dịch của Sở Y tế, các tuyến cơ sở, mạng lưới y tế phường xã hoàn toàn lơ là và không nắm công tác phòng dịch. Nhiều người dân hoàn toàn không nhận được thông tin gì từ trạm y tế phường xã về bệnh TCM, Tiến sĩ - bác sĩ Lê Trường Giang - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết.

Là một trong những quận có số ca bệnh TCM dẫn đầu TP và số ca tháng 5 tăng gấp đôi so với tháng trước, nhưng công tác phòng dịch tại Quận Tân Bình vẫn rất... thủng thẳng.

Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên Online, nhiều khu dân cư trong quận không được vệ sinh khử khuẩn.

“Tôi có thấy y tế phường nói gì đâu hay vệ sinh khử khuẩn gì đâu?”, mặc dù nhà có con nhỏ dưới 5 tuổi nhưng chị Lê Duy Thủy (đường Cộng Hòa, phường 13, quận Tân Bình) ngạc nhiên khi nghe phóng viên hỏi đến việc vệ sinh khử khuẩn và các thông tin phòng bệnh tại địa phương.

Tại khu nhà trọ quanh Khu công nghiệp Tân Bình, trẻ em dưới 5 tuổi vẫn vô tư chạy chơi ở những khu đất trống hay bò lê dưới sàn nhà lem luốc. Nhiều khu nhà trọ có 3 trẻ thì cả 3 trẻ đều mắc bệnh TCM.

Tình hình cũng tương tự tại nhiều khu dân cư của quận 11, quận Bình Thạnh. Khi được hỏi, nhiều người dân ngơ ngác: "Vệ sinh khử khuẩn bằng cách nào?!".

Đến sáng nay, cơ sở y tế dự phòng của quận 10, quận Phú Nhuận còn chưa lên Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM nhận chất khử khuẩn.

 
Tại nhiều gia đình, trẻ em vẫn vô tư bò lê dưới sàn nhà...

 


Và vô tư cho tay vào miệng, rất dễ bị nhiễm vi-rút bệnh - Ảnh: Nguyên Mi

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Trường Giang thừa nhận: “Bệnh TCM tăng mạnh do nguyên nhân chủ quan là công tác chống dịch từ tuyến cơ sở không tốt, hoàn toàn làm sai chủ trương, chỉ đạo khi chỉ bao vây, xử lý dịch ở ổ dịch, ngay hộ dân có người mắc bệnh mà không chủ động vệ sinh hằng ngày, khử khuẩn hằng tuần đối với khu dân cư, ở tất cả các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi”.

Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế địa phương phải làm đúng chỉ đạo chống dịch và sẽ tiếp tục kiểm tra phòng dịch.

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.