Bệnh thiểu mạch vành và bệnh hạ canxi huyết có giống nhau?

25/02/2006 16:03 GMT+7

Hỏi: Tôi bị đau vùng ngực trái, đau nhói từng hồi, đau âm ỉ. Đi khám, có đo điện tim chẩn đoán thiểu mạch vành, uống thuốc mà không bớt. Đi khám, xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm thì chẩn đoán hạ canxi huyết, uống thuốc thấy đỡ, ngưng uống lại đau. Vậy nên uống bao lâu, có nên uống canxi thường ngày không? Bệnh thiểu mạch vành và hạ canxi huyết có giống nhau không? (Hoài Nam - Thuận Giao, Thuận An, Bình Dương)

Đáp: Cơn đau thắt ngực là một cảm giác khó chịu ở trong lồng ngực do thiếu máu cơ tim, thường xảy ra do nhu cầu oxy của cơ tim cao hơn được cung cấp. Một cơn đau thắt ngực điển hình được mô tả là đau ở vùng sau xương ức hay ngực trái với cảm giác khó chịu, đè nặng, đau không dám thở mạnh, lan lên vai trái hoặc lan xuống cả cánh tay, thường đau khi gắng sức và đỡ khi nghỉ ngơi.

Nguyên nhân có thể do thiếu máu vành, thiểu năng động mạch vành, co thắt vành..., thậm chí nặng hơn có thể là nhồi máu cơ tim. Một nguyên nhân đau ngực do mạch vành gây nên y học gọi chung là bệnh động mạch vành.

Một số biện pháp để xác định bệnh mạch vành là: Đo điện tim đồ lúc nghỉ ngơi, khi gắng sức, siêu âm tim doppler, chụp thất với chất đồng vị phóng xạ, chụp động mạch vành là xét nghiệm có giá trị chẩn đoán nhất.

Hạ can xi máu là tình trạng thần kinh bị kích thích do can xi máu hạ, hay gặp ở trẻ nhỏ bị còi xương suy dinh dưỡng. Tuy nhiên cũng gặp ở một số nguyên nhân khác như thiểu năng tuyến giáp, tuyến cận giáp, kiềm máu... Biểu hiên bằng các cơn co giật, có thể khó thở tím tái, đôi khi bàn tay co quắp như bàn tay người đỡ đẻ (bàn tay chụm lại) xét nghiệm máu thấy can xi trong máu giảm...

Hai bệnh này là 2 bệnh hoàn toàn khác nhau, việc cấp cứu điều trị cũng khác nhau. Tuy nhiên, có tác giả đã nghiên cứu cho thấy nồng độ canxi trong máu cao có thể gây xơ cứng mạch vành và là một trong những nguyên nhân gây nên cơ đau thắt ngực (lưu ý là canxi máu cao chứ không phải là hạ canxi huyết như bạn). Vì vậy cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để xác định đúng bệnh, bạn nhé!

BS Bạch Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.