Khi lớn tuổi, cơ thể nam giới sẽ bắt đầu bị mất cần bằng nội tiết. Cụ thể, hoóc môn testosterol sẽ giảm, trong khi estrogen lại tăng. Hệ quả là khiến tuyến tiền liệt phát triển lớn bất thường, dẫn đến phì đại tuyến tiền liệt. Tình trạng này là lành tính và không phải ung thư, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Một số người dù mắc bệnh nhưng lại không cảm thấy triệu chứng nào đáng kể. Trong khi đó, nhiều người khác lại xuất hiện các triệu chứng như tiểu nhỏ giọt, tiểu yếu, tiểu không tự chủ, tiểu đêm hay có máu trong nước tiểu. Nếu đã có sẵn phì đại tuyến tiền liệt và mắc thêm tiểu đường thì sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các triệu chứng đường tiết niệu này lên hơn 95%. Ngoài ra, một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy tiểu đường có thể làm tăng đến 125% nguy cơ mắc phì đại tuyến tiền liệt.
Một số yếu tố khiến bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc phì đại tuyến tiền liệt. Một trong những vấn đề của bệnh nhân tiểu đường là kháng insulin. Đây là tình trạng mà cơ thể không sử dụng hiệu quả lượng insulin do tuyến tụy tiết ra. Để đưa đường glucose từ máu vào tế bào, cơ thể buộc phải tiết ra nhiều insulin hơn, dẫn đến tăng nồng độ insulin trong máu.
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Current Urology Reports phát hiện nồng độ insulin cao trong máu sẽ kích thích hoạt động của dây thần kinh giao cảm và tăng trương lực cơ trơn của tuyến tiền liệt. Tình trạng này khiến tuyến tiền liệt có thể chèn ép niệu đạo, gây cảm giác khó tiểu. Đây là triệu chứng thường gặp của phì đại tuyến tiền liệt.
Không những vậy, hoóc môn insulin lại có cấu trúc tương tự như yếu tố tăng trưởng giống insulin (IGF) do gan tiết ra. Do đó, hoóc môn insulin có khả năng kích thích sự phát triển và tăng sinh của các tế bào tuyến tiền liệt.
Các chuyên gia cho biết để giảm nguy cơ mắc phì đại tuyến tiền liệt thì nam giới cần có biện pháp phòng tránh nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 cũng như các bệnh chuyển hóa khác như huyết áp cao, nồng độ cholesterol trong máu cao, thừa cân hoặc béo phì, theo Healthline.
Bình luận (0)