Thưa bác sĩ, tôi có người con trai 21 tuổi, đang học đại hoc. Gần đây con tôi có nhiều biểu hiện lạ như: ít ăn, ít nói hơn trước, mặt mày lúc nào cũng ủ rũ, người như không có hồn, đi học về là trốn vào phòng không thích chơi với em hay xem tivi cùng gia đình, hay than nhức đầu, không tập trung học được... Tôi có xem qua báo đài và tìm hiểu trên internet thì nhận thấy con tôi rất giống biểu hiện của trầm cảm. Tôi rất lo lắng về tình trạng của con. Xin bác sĩ cho biết thêm về bệnh trầm cảm, bệnh này có nguy hiểm không và điều trị như thế nào? (lethithaol…@gmail.com)
ThS-BS Nguyễn Văn Thống, Chuyên khoa Nội tâm thần kinh, Bộ môn Tâm thần Trường ĐH Y Dược Cần Thơ - Phòng khám Nội tâm thần kinh, Y - Nha khoa Vạn Phước.
Chào chị. Xin nói vài điều về bệnh lý trầm cảm:
- Trầm cảm là một bệnh lý khá phổ biến, có khoảng 10 người trong 100 người trưởng thành mắc trầm cảm trong mọi xã hội. Thông thường phái nữ bị mắc nhiều hơn nam giới.
- Trầm cảm thường có các triệu chứng rất điển hình như: buồn bã, chán nản, mất mọi quan tâm hứng thú dẫn đến không làm những việc mình yêu thích như trước đây, mất ngủ, ăn kém, mất tập trung và hay quên, đặc biệt hơn nữa là có những ý nghĩ xoay quanh cái chết. Bên cạnh những triệu chứng về mặt tâm thần, trầm cảm còn các triệu chứng cơ thể như: đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, đầy hơi khó tiêu, tê tay chân, tim đập nhanh dẫn đến hiện tượng hay hồi hộp ở ngực.
- Tùy theo mức độ nặng của bệnh mà nó ảnh hưởng nhiều hay ít trên cơ thể người mắc phải. Ở mức độ nặng có thể chỉ chán ăn, khó ngủ, học hành giảm sút… nhưng ở mức độ nặng và nghiêm trọng thì dẫn đến bỏ ăn, ngủ kém, học hành và công việc sa sút, có bệnh nhân tiến hành hành vi tự sát hay hủy hoại bản thân. Theo thống kê, trên 75% các trường hợp tự sát có liên quan đến trầm cảm.
Quay trở lại vấn đề con chị mắc phải. Theo những thông tin ở trên, có khả năng con chị bị trầm cảm và ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Việc điều trị rất cần thiết vì bệnh có xu hướng tiến triển, nếu nặng lên có thể đưa đến tình trạng như trên.
Chị nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần, bác sĩ sẽ thảo luận với chị và con chị về phương pháp điều trị. Thông thường trầm cảm được điều trị bằng 2 phương pháp chính là thuốc chống trầm cảm và tâm lý trị liệu. Thời gian điều trị tương đối dài, đòi hỏi phải kiên trì và sự hợp tác từ phía bệnh nhân và người nhà. Có như vậy bệnh nhân mới sớm thoát khỏi căn bệnh khó chịu này.
Chuyên mục do Y - Nha khoa Vạn Phước
(số 307F Nguyễn Văn Linh, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) tài trợ.
Mọi thắc mắc về sức khỏe, bạn đọc có thể gửi email, thư tín về chuyên mục theo địa chỉ: vanphuocclinic@gmail.com, bacsicuaban.tn@gmail.com hoặc Y - Nha khoa Vạn Phước để được giải đáp và tư vấn.
Bình luận (0)