Tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), liên tục trong các tháng gần đây, trung bình mỗi tháng tiếp nhận 8-14 bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn, có nhiều ca tai biến nặng. Số nhập viện do liên cầu lợn hiện tăng cao hơn hẳn so với các tháng đầu năm (chỉ rải rác vài ca/tháng). Hàng loạt bệnh nhân nhập BV Bệnh nhiệt đới T.Ư đến từ các địa phương Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nội. Hầu hết là nam giới, trong đó có trường hợp do ăn tiết canh. Mới đây, BV tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn K. (69 tuổi, trú tại Thanh Hóa), nhập viện trong tình trạng sốt cao, nôn ói. Xét nghiệm chẩn đoán viêm màng não do LCL S.suis. Trước đó, bệnh nhân nam Trần Văn L. (28 tuổi, ở Nam Định) cũng có biểu hiện tương tự, kèm theo ban đỏ tím trên da. Bệnh nhân bị viêm màng não.
|
Dễ nhiễm và tai biến nặng
Theo bác sĩ Vũ Đình Phúc, Phó trưởng khoa Điều trị tích cực, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, thông thường bệnh nhân sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, cứng gáy, rối loạn tri giác... xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Trường hợp nặng thì sốc nhiễm độc, trụy mạch, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, hôn mê và tử vong. Bác sĩ Vũ Đình Phúc cho biết, tác nhân gây bệnh liên cầu lợn có tên Streptococcus suis (S.suis). Vi khuẩn thường cư trú ở hầu họng của lợn. Có thể lợn mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện bệnh, do đó, vẫn có thể lây sang người qua ăn uống không hợp vệ sinh.
Ông Trần Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết thêm vi khuẩn này cũng có thể tồn tại trong đường tiêu hóa và đường sinh dục của lợn. Trong môi trường, vi khuẩn còn tồn tại lâu trong phân, nước, rác. Môi trường đóng vai trò quan trọng trong quá trình truyền bệnh của vi khuẩn. Điều này lý giải vì sao có trường hợp không tiếp xúc trực tiếp (ăn tiết canh, giết một lợn bệnh) nhưng vẫn nhiễm bệnh. Cụ bà Lưu Thị L. (90 tuổi, ở Nam Định) là người bị nhiễm bệnh này trong khi không tiếp xúc gần và tiếp xúc trực tiếp với lợn.
Liên cầu lợn cư trú ở lợn nhà, có thể cả ở ngựa, chó, mèo và chim. Các vec-tơ có khả năng truyền bệnh bao gồm ruồi, gián, chuột. Nhiều khả năng khi lợn bị bệnh, vi khuẩn S.suis biến đổi và tăng độc tính mới lây nhiễm cho người. Chưa thấy có lây truyền bệnh từ người sang người. Các chuyên gia lưu ý, khi lợn bị nhiễm vi rút gây bệnh tai xanh cũng là lúc sức đề kháng yếu đi, vi khuẩn liên cầu lợn cư trú trên đó có cơ hội mạnh hơn, nguy cơ lây nhiễm, phát tán ra môi trường cũng cao hơn. Đó cũng là lý do một số thời điểm khi có dịch lợn tai xanh thì số ca mắc bệnh do liên cầu lợn tăng lên.
S.suis dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn và tẩy rửa. Vì vậy ăn uống chín, vệ sinh cá nhân sạch khi tiếp xúc, chế biến, sử dụng bảo hộ khi giết mổ để ngăn chặn nguy cơ. Đặc biệt, không nên ăn thức ăn tái, còn sống, vì ngay cả khi lợn bình thường thì vẫn mang mầm bệnh. |
Liên Châu
>> Nhiều ca tai biến nặng do liên cầu lợn
>> Viêm màng não do liên cầu lợn
>> Miền Bắc lo nhiễm liên cầu lợn
>> Nhiều ca mắc liên cầu lợn
>> Hai bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn nặng
>> Nguy cơ từ liên cầu lợn
>> Thừa Thiên - Huế: Bệnh liên cầu lợn diễn biến bất thường
>> Bệnh liên cầu lợn diễn biến hết sức nguy hiểm
>> Cứu sống một bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn
>> Bệnh liên cầu lợn đang có xu hướng gia tăng
Bình luận (0)