- Bệnh vàng da sơ sinh do tăng bilirubin gián tiếp gặp ở đa số trẻ sinh non và khoảng 25% trẻ sinh đủ tháng.
Con đầu của chị hiện đã được 2 tuổi và có sức khỏe bình thường là điều rất đáng mừng, vì cháu đã được thay máu kịp thời và không bị di chứng thần kinh do bệnh vàng da sơ sinh.
Sau tháng đầu tiên, bệnh vàng da sơ sinh không còn tái phát nữa. Chỉ cần đưa cháu đi khám định kỳ để theo dõi sự phát triển thể chất, tâm sinh lý và chích ngừa như các trẻ khác.
Bệnh vàng da sơ sinh có nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì chị không cho biết con đầu của chị bị vàng da do nguyên nhân gì nên tôi không thể biết cháu thứ hai có thể bị vàng da như cháu đầu không. Tuy nhiên chị đừng quá lo lắng, vì nếu phát hiện sớm đa số cháu vàng da có thể được điều trị bằng chiếu đèn ánh sáng xanh dương, ít khi phải thay máu.
Chị nên sinh cháu thứ hai tại một bệnh viện sản - nhi có khoa sơ sinh. Sau khi sinh cháu, chị nên cho cháu bú sớm và bú đủ sữa, nằm trong phòng có đầy đủ ánh sáng và theo dõi màu da cháu nhiều lần trong ngày dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và nữ hộ sinh. Khi có triệu chứng bất thường, báo ngay cho cán bộ y tế để có hướng xử trí kịp thời.
Chúc chị mọi sự tốt lành!
Phân biệt vàng da sơ sinh sinh lý và bệnh lý 1. Vàng da sinh lý: khi có đủ các tiêu chuẩn sau: - Xuất hiện sau 24 giờ tuổi. - Hết trong vòng một tuần với trẻ đủ tháng và hai tuần với trẻ non tháng. - Mức độ vàng da nhẹ (vàng da vùng mặt, cổ, ngực). - Vàng da đơn thuần, không kết hợp các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan lách to, bú yếu, lừ đừ...). - Nồng độ bilirubin trong máu không quá 12mg/dl ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg/dl ở trẻ non tháng. - Tốc độ tăng bilirubin trong máu không quá 5mg% trong 24 giờ. 2. Vàng da bệnh lý: có bất thường đối với một hoặc nhiều hơn trong số các tiêu chuẩn của vàng da sinh lý nêu trên. Khi đó, gia đình cần đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa để khám ngay, tránh chậm trễ. Chú ý: - Vàng da sinh lý có thể tự hết nhưng cũng có thể chuyển thành vàng da bệnh lý. - Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ vàng da bệnh lý có thể bị biến chứng nhiễm độc thần kinh, mà hậu quả rất thảm khốc là trẻ sẽ tử vong, nếu sống sót cũng bị bại não suốt đời. |
TS.BS Ngô Minh Xuân
(trưởng khoa sơ sinh BV Từ Dũ TP.HCM)/ Tuổi Trẻ
Bình luận (0)