|
Hay gặp ở người trẻ
Vảy nến có nhiều thể khác nhau: thể móng (móng dày hoặc có nhiều lỗ nhỏ trên bề mặt móng); thể khớp (khớp bị biến dạng, bệnh nhân khó vận động); thể mủ (da có các mụn mủ khô và nông); thể đỏ da toàn thân... Khoảng 3% dân số mắc vảy nến, bệnh có thể khởi phát ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng thường gặp hơn ở người lớn, tuổi khởi bệnh trung bình là 33.
Vảy nến thể giọt thường gặp hơn ở người trẻ và trẻ em. Biểu hiện bệnh là tổn thương bởi các chấm từ 1 - 2 mm (hoặc hơn) đường kính. Các nốt này nổi rải rác khắp người, đặc biệt ở nửa trên (lưng, ngực). Tổn thương có màu đỏ tươi, phủ vảy mỏng màu trắng đục, dễ bong, rụng vảy như bụi phấn. “Vảy nến giọt thường gặp ở trẻ em và người trẻ, có liên quan đến các ổ viêm nhiễm trùng, nhiễm độc như viêm a mi đan, viêm tai giữa”, TS-BS Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư cho biết.
Vảy nến giọt chịu tác dụng tốt với trị liệu bằng kháng sinh, tuy nhiên bệnh cần được khám chẩn đoán đúng và kê đơn với liều phù hợp. “Nếu điều trị không đúng, bệnh có thể tiến triển nặng hơn, gây đỏ da toàn thân”. Chuyên gia cũng lưu ý, vảy nến giọt cần được khám đúng chuyên khoa, chẩn đoán chính xác tránh nhầm lẫn với một vài bệnh khác, trong đó có thể nhầm với ban giang mai dạng vảy nến.
Không dùng thuốc theo kinh nghiệm
Mới đây, một bệnh nhân nam tại Hà Nội khi thấy trên da nổi mẩn đỏ, cho rằng bị dị ứng nên đã đến khám tại Trung tâm dị ứng của Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân được bác sĩ chuyển khám tại Bệnh viện Da liễu T.Ư. Sau khi khám và làm xét nghiệm, bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán mắc vảy nến giọt. Tuy nhiên, thay vì dùng thuốc theo đơn của bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân nghe theo lời mách của người quen tìm mua thuốc của một thầy lang. Chỉ vài ngày sau khi dùng loại thuốc không phù hợp, bề mặt da toàn thân của người này tấy đỏ, hai chân phù nề.
Dị ứng thuốc sẽ khiến bệnh nặng thêm, điều trị khó khăn hơn và nguy cơ tổn thương, ảnh hưởng xấu đến các cơ quan khác như gan, thận, mắt. “Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp bội nhiễm hoặc dị ứng do sử dụng thuốc của thầy lang để điều trị. Thực tế, có các bài thuốc y học cổ truyền để trị bệnh vảy nến nhưng cần đến điều trị tại các cơ sở y học cổ truyền đã được cấp phép, các bài thuốc được thẩm định”, TS-BS Quang lưu ý. Đặc biệt với vảy nến là bệnh viêm hệ thống, việc chẩn đoán, điều trị khá phức tạp nên người bệnh cần đến khám, điều trị tại các cơ sở đủ điều kiện chuyên môn.
Các chuyên gia lưu ý, bệnh vảy nến có yếu tố gia đình, không lây nhưng ảnh hưởng đến chất lượng sống. Căng thẳng, sang chấn tinh thần là yếu tố liên quan đến phát bệnh và vượng (mức độ nặng) bệnh. Ngoài ra, các chất kích thích như rượu bia cũng có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn.
Liên Châu
>> Bệnh vảy nến có lây ?
>> Kiểm soát bệnh vảy nến
>> Chạy bộ đẩy lùi bệnh vảy nến
Bình luận (0)