Dân giấu dịch, chính quyền lơ là
Tỉnh Thanh Hóa hiện có tổng đàn trâu, bò khoảng 450.000 con (trong đó, đàn trâu đứng thứ 2 và đàn bò đứng thứ 5 cả nước). Do vậy, khi dịch bệnh lây lan sẽ khó kiểm soát và ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi, đồng thời gây thiệt hại đối với người dân.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thanh Hóa (thuộc Sở NN-PTNT Thanh Hóa), bệnh VDNC trên trâu, bò xuất hiện ở tỉnh này vào ngày 3.2, tại P.Tĩnh Hải (TX.Nghi Sơn), làm 58 con trâu, bò của hàng chục hộ gia đình mắc bệnh.
Đến ngày 3.4, bệnh VDNC đã lan ra hơn 10 đơn vị cấp huyện. Tổng số trâu, bò mắc bệnh tính đến 16 giờ ngày 3.4 là hơn 2.000 con. Trong đó, bệnh lây lan nhanh ở một số địa phương như Yên Định, Nông Cống và TX.Nghi Sơn. Riêng H.Yên Định, từ ngày 4.3 - 3.4, đã có gần 800 con trâu, bò của hơn 500 hộ mắc bệnh; tại H.Nông Cống, từ 23 - 28.3 có 116 con trâu, bò (của 82 hộ, ở 30 thôn thuộc 10 xã) mắc bệnh.
Theo ghi nhận của phóng viên, ở một số địa phương tại TX.Nghi Sơn (nơi phát hiện bệnh đầu tiên), những ngày qua, chính quyền các phường Hải An, Tĩnh Hải... đã huy động cán bộ xã, thôn và thuê người dân đi phun hóa chất diệt muỗi, ruồi toàn địa bàn phường. Đây là biện pháp nhằm diệt vật chủ làm lây lan bệnh VDNC. Nhiều chốt kiểm soát dịch bệnh đã được dựng lên, có người túc trực 24/24 giờ để ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển trâu bò ra vào địa bàn.
Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ được thực hiện sau khi ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đi thị sát và phát hiện công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC ở TX.Nghi Sơn chưa nghiêm túc, mang tính hình thức.
Cụ thể, ngày 31.1, khi ông Giang kiểm tra tại P.Hải An, đã phát hiện các chốt kiểm dịch tại đây đặt không đúng vị trí, không phù hợp, hoạt động hời hợt và mang tính đối phó; công tác phun tiêu độc, khử trùng không thực hiện theo quy định phòng chống dịch, khiến cho nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch P.Hải An hoạt động thiếu sâu sát, không nắm vững địa bàn và các hộ có dịch dẫn đến bị động trong phòng, chống dịch.
Đó cũng là tình trạng chung trong công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC trên địa bàn TX.Nghi Sơn thời gian qua. Vì vậy, ông Giang đã yêu cầu kiểm điểm các thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh VDNC TX.Nghi Sơn.
Ngoài TX.Nghi Sơn, ở nhiều địa phương khác tại Thanh Hóa cũng có tình trạng người dân cố tình giấu dịch bệnh, hoặc chậm thông báo đến chính quyền địa phương khi có trâu, bò mắc bệnh.
Chủ tịch xã không biết hộ dân có trâu, bò mắc bệnh
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết không chỉ trên địa bàn TX.Nghi Sơn mà cả trên địa bàn H.Yên Định quá trình kiểm tra đã phát hiện có xã chính quyền còn lơ là trong phòng chống dịch bệnh VDNC.
“Tôi đi kiểm tra trên địa bàn H.Yên Định, có chủ tịch UBND xã còn không nắm được hộ dân có trâu, bò nhiễm bệnh. Như thế là thiếu sâu sát, lơ là. Tôi đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với vị chủ tịch xã này. Còn về tình hình phòng, chống dịch chung thì tỉnh đã yêu cầu tất cả các thôn, bản trên địa bàn phải rà soát lại số lượng và tình hình trâu, bò nhiễm bệnh để có biện pháp phù hợp phòng bệnh”, ông Giang nói.
Từ nhận định của Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, có thể thấy công tác phòng chống dịch bệnh VDNC ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh này còn nhiều hạn chế, là những nguyên nhân khiến bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại kinh tế cho người dân.
Tuy nhiên, dịch VDNC lan rộng ở Thanh Hóa một phần cũng do nguyên nhân khách quan là các xã, phường thiếu cán bộ thú y. Cụ thể, ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thanh Hóa, cho biết tỉnh Thanh Hóa đang có tới 65 xã, phường “trắng” cán bộ thú y nên rất khó khăn khi phòng, chống các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Vì không có người có chuyên môn, khi có dịch bệnh, chính quyền có khi còn lúng túng khi xử lý con vật bị nhiễm bệnh, hoặc thiếu người tiêm vắc xin.
Chia sẻ với Thanh Niên hôm qua, 4.4, ông Hiệp nói: “Chi cục vừa tổ chức họp để phân công anh em từ ngày 5.4 trực tiếp xuống các địa phương, đặc biệt là TX.Nghi Sơn, nhằm hỗ trợ chính quyền phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, Chi cục cũng rất ít cán bộ nên chỉ bố trí được khoảng 3 người xuống địa bàn, còn lại anh em phải trực để hướng dẫn địa phương qua điện thoại”, ông Hiệp nói.
Bình luận (0)