Ngày 16.3, Bệnh viện Chợ Rẫy kỷ niệm 30 năm ghép thận và hội thảo khoa học về ghép thận.
TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ngày 28 - 29.12.1992, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành ghép thận cho 2 trường hợp đầu tiên thành công.
Đến nay đã 30 năm, Bệnh viện Chợ Rẫy đã ghép thận 1.127 ca, tỷ lệ thành công cao tương đương với các nước trên thế giới.
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là đơn vị tiên phong triển khai các giải pháp để mở rộng nguồn thận hiến.
Đó là ghép thận từ người cho chết não (từ ngày 23.4.2008). Ghép thận từ người cho tim ngừng đập (từ ngày 18.6.2015). Ghép thận đối chéo người cho (từ ngày 11.1.2017). Ghép thận không tương hợp nhóm máu ABO (từ ngày 29.12.2021)...
Nhằm phát triển nguồn thận ghép và tạo sự công bằng trong ghép tạng, tháng 10.2014, Bệnh viện Chợ Rẫy lập đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người.
Về mặt kỹ thuật, để nâng cao chất lượng điều trị, Bệnh viện Chợ Rẫy đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới như: phẫu thuật nội soi phẫu thuật nội soi có sự hỗ trợ của Robot trong lấy thận, ghép thận đón đầu (trước chạy thận nhân tạo), ghép ở các đối tượng có nguy cơ miễn dịch cao... Bệnh viện cũng xây dựng các quy trình trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân sau ghép.
Về đào tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy đã mở các khóa học từ cơ bản đến nâng cao về ghép, tổ chức các hội thảo, hội nghị và các lớp đào tạo liên tục; nhiều bác sĩ tham dự và báo cáo tại các hội nghị trong nước và trên thế giới.
Để ghép thận thành công như ngày hôm nay, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đã gửi lời tri ân đến những người đã hiến tạng để cứu người suy tạng, trong đó đặc biệt là những người hiến sau khi chết não, tim ngừng đập
Về xây dựng và phát triển đội ngũ kế thừa, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng hợp tác với các trung tâm ghép trên thế giới (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Mỹ, Tây Ban Nha...) để đưa y bác sĩ đi học tập và trao đổi kinh nghiệm.
Ngoài ra, Bệnh viện Chợ Rẫy còn hỗ trợ hơn 10 trung tâm trong nước phát triển về ghép thận.
"Có thể nói, ghép thận là một trong các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối hiệu quả, đem lại chất lượng sống cao, thời gian sống kéo dài và chi phí thấp hơn so với các phương pháp điều trị thay thế thận khác.
Người bệnh có thể trở lại cuộc sống đời thường và tiếp tục công hiến cho gia đình, xã hội. Chính vì vậy, ghép thận được đánh giá là một trong mười thành tựu vĩ đại của nhân loại ở thế kỷ 20", Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói.
Hiến tạng là món quà vô giá
Tại lễ kỷ niệm, GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã biểu dương những kết quả mà Bệnh viện Chợ Rẫy đã đạt được trong ghép thận nhằm cứu được nhiều người bị suy thận.
Theo GS-TS Trần Văn Thuấn, việc ghép thận thành công cứu được nhiều người thì không thể thiếu nguồn tạng. Số người đăng ký hiến tạng, mô và bộ phận cơ thể người khi chết não, tim ngừng đập gia tăng trong thời gian qua.
Nếu như năm 2014 chỉ có 265 người đăng lý hiến tạng thì đến năm 2022 có đến 62.555 người đăng ký. Trong đó, tại Bệnh viện Chợ Rẫy có số người đăng ký hiến tạng cao nhất, chiếm khoảng 50%.
"Việc hiến tạng là món quà vô giá, ở đây không chỉ là nghĩa cử cao đẹp mà còn là nối dài sự sống cho những người tưởng chừng như hết hy vọng cuộc đời", Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.
Hiện nay trên thế giới mỗi năm có 40.000 ca cấy ghép các bộ phận cơ thể người và có khoảng 460.000 người đang sống nhờ 1 hoặc vài bộ phận của người khác.
Bình luận (0)