Ngoài thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân địa phương, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) H.Bù Đốp (Bình Phước) còn tiếp nhận, cứu chữa cho hàng ngàn bệnh nhân người Campuchia, qua đó củng cố thêm tình đoàn kết, hợp tác giữa hai nước.
Bác sĩ Mạc Văn Thực đang chăm sóc cho bệnh nhân Pâu Tưa (tỉnh Mondulkiri, Campuchia) |
Bác sĩ Ngô Văn Nguyên, Phó giám đốc BVĐK Bù Đốp, cho biết: “Là một bệnh viện nằm gần biên giới, ngoài khám chữa bệnh cho người dân trong huyện, bệnh viện còn tiếp nhận chữa trị mỗi tháng trung bình khoảng 20 bệnh nhân người Campuchia”.
Bác sĩ Nguyên nhớ lại, vào năm 2015, một người dân Campuchia bị thương nặng ở bụng được người nhà mang tới BVĐK Bù Đốp vào lúc nửa đêm. Qua các thăm khám tổng quát, biết đây là một ca nặng nhưng tiên lượng sẽ kiểm soát được nên các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật. “Khi mổ mới biết bệnh nhân bị đạn bắn vào người, thủng tới 8 lỗ. Kíp mổ gồm 8 y, bác sĩ, phẫu thuật trong 2 giờ liền để khâu, cắt lỗ thủng. Bệnh nhân điều trị gần một tháng và xuất viện. Đó cũng là ca phẫu thuật đáng nhớ đối với đội ngũ y bác sĩ tại đây”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.
|
Bác sĩ Mạc Văn Thực, người thường xuyên trực cấp cứu và khám bệnh cho bệnh nhân người Campuchia, cho hay hầu hết những trường hợp bệnh viện cho xe đi cấp cứu tới tận biên giới để đón bệnh nhân khi nhận được tin báo từ các đồn, chốt biên phòng khu vực biên giới.
Những phiên dịch viên bất đắc dĩ
Theo các bác sĩ ở BVĐK Bù Đốp, khó khăn trong việc khám chữa bệnh cho người Campuchia là bất đồng ngôn ngữ. “Những lúc bệnh tình nguy cấp, đứng giữa ranh giới sống chết của người bệnh thì bệnh viện luôn phải chủ động đưa ra quyết định, mặc dù bất đồng ngôn ngữ là rào cản không hề nhỏ”, bác sĩ Nguyên cho biết.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (34 tuổi) có 6 năm làm điều dưỡng ở bệnh viện thì cũng ngần ấy năm trở thành phiên dịch viên bất đắc dĩ cho các bác sĩ và người bệnh. Gia đình chị trước từng sống ở Campuchia nên chị Thúy biết và nói được tiếng Campuchia. “Những lúc làm ở bệnh viện, hoặc ở gần đó gặp trường hợp nào cần phiên dịch thì tôi tới ngay. Còn xa quá thì mọi người dùng điện thoại để liên lạc, tôi nghe bệnh nhân hoặc người nhà trình bày để dịch lại cho bác sĩ biết. Giúp được mọi người là tôi vui rồi, cũng không thấy khó khăn gì cả”, chị Thúy vui vẻ nói.
Nói về bệnh nhân người Campuchia, các y bác sĩ ở đây đều trăn trở về cái nghèo, cái khó của họ. Thường khi đổ bệnh nặng họ mới tới bệnh viện chữa trị, những ca nặng quá bệnh viện đành phải chuyển lên tuyến trên. Họ không có chế độ chính sách gì trong khám chữa bệnh nên tất cả chi phí chữa trị đều phải tự túc. Bác sĩ Thực nói: “10 bệnh nhân người Campuchia nhập viện thì có tới 7 là người nghèo khổ. Nhiều trường hợp bệnh nhân mới phẫu thuật xong vài ngày đã nhất quyết đòi về. Bác sĩ của bệnh viện gặng hỏi thì mới biết bệnh nhân không còn tiền ăn nữa. Những lúc này, Công đoàn của bệnh viện vẫn bỏ tiền ra mua cơm ở căng tin mang tới tận giường bệnh cho cả bệnh nhân và người nhà của họ”, bác sĩ Thực cho hay.
Con của sản phụ Vo Tay (20 tuổi, tỉnh Mondulkiri) đang được chăm sóc tại bệnh viện.
|
Dẫn tôi đi thăm bệnh nhân Pâu Tưa (tỉnh Mondulkiri, Campuchia), bác sĩ Thực chia sẻ, Pâu Tưa bị tai nạn giao thông, gãy xương đùi. Nhà nghèo, vết thương bị hoại tử đến mức có giòi thì Pâu Tưa mới tới bệnh viện. Điều trị được vài hôm, Pâu Tưa lẻn bệnh viện trốn về nhà. Vết thương bị nhiễm trùng nặng hơn, lúc này chồng bệnh nhân mới chở vợ quay trở lại bệnh viện. Thông qua người phiên dịch Pâu Tưa cho hay: “nhà chỉ có hai vợ chồng, con mới 1 tuổi. Mùa này chồng đi rừng chưa về, con không biết gửi ai nên trốn viện về để chăm con”.
Vừa trải qua ca “mổ bắt con”, vợ chồng bệnh nhân Vo Tay (20 tuổi) vui mừng khôn tả. Thấy y, bác sỹ tới thăm là chồng Vo Tay nắm chặt tay, miệng luôn nói: “A Cun, A Cun” (cảm ơn, cảm ơn)”.
Bình luận (0)