Bệnh viện công thuê CEO được không ?

Bộ Y tế sẽ thí điểm để bệnh viện công thuê giám đốc điều hành (CEO) không cần phải là giáo sư, tiến sĩ y khoa, mà cần giỏi về quản lý y tế và điều hành.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, phương thức đổi mới bệnh viện công tới đây dự định sẽ thuê giám đốc như một CEO, không quá chú trọng chuyên môn mà quan trọng là năng lực quản lý điều hành, quản trị.
Theo dự thảo nghị định quy định cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập với việc đổi mới bộ máy quản lý ở các cơ sở y tế tự chủ về tài chính hiện đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, cùng với đổi mới về tài chính y tế (tự chủ tài chính), bệnh viện (BV) công sẽ tự chủ về tổ chức bộ máy. Các nhóm tự chủ tài chính đều hoạt động theo mô hình thành lập hội đồng quản lý gồm: tổng giám đốc và các giám đốc điều hành (với các đơn vị do T.Ư quản lý) hoặc giám đốc và các phó giám đốc (các đơn vị do địa phương quản lý).
Chủ trương của Bộ Y tế là để các BV thí điểm thuê CEO (giám đốc điều hành), không cần phải là giáo sư, tiến sĩ y khoa, mà yêu cầu là giỏi về quản lý y tế và điều hành BV.
Mổ giỏi nhưng quản lý kém
Cần lưu ý, BV công hoạt động theo cơ chế nhà nước, đặc biệt là đảm bảo về chăm sóc sức khỏe cho người dân, chính sách an sinh. Do vậy, nếu CEO chỉ tập trung vào tính hiệu quả, sinh lời cho BV sẽ làm mất ý nghĩa chính trị của BV công lập
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng
(Phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM)
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, vấn đề quan trọng là chú trọng nâng cao công tác quản lý, điều hành BV. “Vừa qua, một số BV đầu ngành có chất lượng chuyên môn rất tốt nhưng chỉ một vài sự cố đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành y. Sự cố có thể xảy đến từ bất kỳ hoạt động nào của BV, từ chất lượng dịch vụ cho đến các sự cố trong điều trị như mổ nhầm, tiêm nhầm. Nếu không quản lý được toàn diện chất lượng các dịch vụ thì rất có thể những sự cố đó sẽ còn lặp lại”, Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu ngành y đánh giá, một số BV, giám đốc là người giỏi về chuyên môn nhưng trình độ quản lý lại hạn chế. “Có thể một giám đốc BV mổ giỏi nhưng lại quản lý kém. Ông học giỏi, nghiên cứu giỏi thì không nên bắt làm giám đốc. Các giáo sư, phó giáo sư thuộc hệ hàn lâm sẽ là viện trưởng các viện, còn giám đốc BV thì không nên phải là giáo sư, tiến sĩ. Nếu có thì tốt nhưng tiêu chuẩn giám đốc phải là quản trị giỏi. Ngành y tế sẽ có lộ trình đổi mới về tiêu chuẩn về bổ nhiệm giám đốc BV. Làm thế nào để BV có giám đốc hiểu về chuyên môn bên cạnh đó là điều hành BV, quản lý tài chính giỏi, chăm lo đời sống cán bộ cũng giỏi”, Bộ trưởng nói.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng (Phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM), cho rằng nếu thuê CEO cho BV công thì phải thay đổi cơ cấu tổ chức của BV. Chẳng hạn, dưới CEO cần có các giám đốc chuyên môn, quản trị, tổ chức, tài chính... Còn nếu để nguyên cơ cấu, tổ chức BV công như hiện nay rồi thuê CEO "gắn" vào thì sẽ rất khó điều hành công việc. Cũng cần lưu ý là đơn vị nhà nước có những đặc thù, cơ chế ràng buộc, nếu chỉ đơn thuần “thuê một anh CEO giỏi” ở các công ty, tập đoàn tư nhân về làm cho BV nhà nước thì chưa chắc thuận lợi. "Cần lưu ý, BV công hoạt động theo cơ chế nhà nước, đặc biệt là đảm bảo về chăm sóc sức khỏe cho người dân, chính sách an sinh. Do vậy, nếu CEO chỉ tập trung vào tính hiệu quả, sinh lời cho BV sẽ làm mất ý nghĩa chính trị của BV công lập", bác sĩ Tùng nói.
Theo bác sĩ Tùng, cũng có thể chọn những bác sĩ có năng lực, năng khiếu về quản lý để đào tạo CEO cho BV công, khi đó, CEO nắm rõ về chuyên môn y khoa thì tuyệt vời.
Người bệnh đang rất cần được hưởng chính sách y tế chất lượng cao Ảnh: Duy Tính
Mỹ chỉ có 5% giám đốc BV là bác sĩ
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trâm Em (CEO của BV Hoàn Mỹ Sài Gòn), khu vực Đông Nam Á lâu nay đều theo khuynh hướng giám đốc BV là bác sĩ, như VN hầu như 100% bác sĩ là giám đốc BV, Philippines và Malaysia có tới 60 - 70%.
Trong khi đó, tại Hội nghị quản trị BV châu Á tổ chức ở TP.HCM hồi tháng 9.2016, báo cáo tham luận cho biết tại Mỹ chỉ có 5% giám đốc BV là bác sĩ, số còn lại là các CEO từ các ngành khác. “Có sự khác biệt về giám đốc BV giữa ta và các nước phát triển. Ở nước Mỹ, châu Âu, BV đi theo hướng doanh nghiệp nên quyền điều hành của CEO tập trung vào chiến lược tài chính, cung cấp dịch vụ và quản lý quy trình hoạt động BV. Muốn trở thành CEO của các BV thì ngoài việc học chuyên ngành quản trị kinh doanh, tài chính, y tế công cộng, cần phải học quản trị BV mới hoàn chỉnh. Sau đó họ vào BV làm hành chính quản trị trong nhiều năm, khi được tín nhiệm, họ mới được bầu hoặc bổ nhiệm CEO. Về mặt chuyên môn y khoa, họ không nắm chuyên sâu nhưng kỹ năng điều hành về mặt hệ thống là khá tốt", bác sĩ Trâm Em nói.
Lãnh đạo một BV tuyến T.Ư cho rằng lâu nay chúng ta quen với việc lãnh đạo BV công phải có uy tín về chuyên môn. Ngoài ra, y tế có đặc thù riêng, do đó, người quản lý vẫn phải có kiến thức về y thì mới có thể điều hành, bởi BV công vẫn phải lo chính sách chứ không chỉ là doanh nghiệp, chỉ lo "thu vén" lợi nhuận, chia lương thưởng. "Nếu buộc phải thuê CEO thì đơn vị chúng tôi cũng vẫn phải tìm một bác sĩ biết quản lý, quản trị hoặc một người có kinh nghiệm quản lý, điều hành am hiểu về y tế. Phải hiểu về nghề thì mới điều hành hiệu quả được. Do đó, CEO của BV công sẽ phải ngặt nghèo hơn CEO của BV tư và các đơn vị kinh doanh khác", vị này nói.
Một số bác sĩ khác khi trả lời Thanh Niên đều cho rằng nên chọn BV nhỏ để thí điểm CEO, qua đó đánh giá hiệu quả. Trong ngành y hiện nay, nhiều người làm chuyên môn giỏi và quản lý cũng giỏi. Bằng chứng là các BV vẫn phát triển, nâng quy mô. “Nếu CEO của BV mà không hiểu về y thì có khi lại là nguyên nhân gây sự cố. Do đó, rất cẩn trọng để đảm bảo chủ trương thuê, tuyển CEO, nếu thực thi phải tốt hơn chứ không phải chỉ là “mới” hay “khác” so với cái đang làm”, một bác sĩ chia sẻ.
Điều hành chứ không phải kinh doanh
TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc BV Nhân dân 115 (TP.HCM), nhận xét: CEO là giám đốc điều hành mọi hoạt động của BV và chịu trách nhiệm trước hội đồng quản lý BV. CEO là giám đốc điều hành chứ không phải kinh doanh vì dịch vụ y tế lúc này là một giá và có BHYT chi trả. Nếu BHYT trả không đủ thì người dân trả tiền thêm. Các nước trên thế giới đều làm như vậy.
Giảng viên Nguyễn Việt Khoa, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, đánh giá đây là sự cố gắng rất lớn của Bộ Y tế. Việc thuê giám đốc chuyên nghiệp điều hành BV nhằm tạo tính minh bạch và hiệu quả trong BV công; thay những nhà chuyên môn bằng nhà quản lý chuyên nghiệp là một bước tiến đột phá phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Trả lại cho các bác sĩ có chuyên môn giỏi về đúng vai trò của mình. Tuy nhiên, Bộ Y tế cần thể hiện tốt vai trò chủ quản, tránh trường hợp một số BV công thuê giám đốc bên ngoài, chạy theo lợi nhuận, phục vụ chủ yếu cho người có tiền mà không quan tâm đến những đối tượng chính sách, người nghèo, sẽ làm méo mó vai trò của y tế công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.