Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch cho Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp

24/05/2024 20:59 GMT+7

Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp vừa tổ chức Lễ khai trương Đơn vị can thiệp nội mạch. Đây là kết quả của chương trình chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện này từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM).

Sự kiện này một dấu ấn quan trọng của ngành y tế Đồng Tháp trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch, tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật tiên tiến ngay tại địa phương.

Đến tham dự buổi lễ có GS-TS-BS Trương Quang Bình, nguyên Phó giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học BV ĐHYD TP.HCM, TS-BS Vũ Hoàng Vũ, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp BV ĐHYD TP.HCM, BS.CKII Đoàn Tấn Bửu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cùng đại diện lãnh đạo sở, ban ngành tỉnh, các bệnh viện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch cho Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp- Ảnh 1.

BS.CKII Đoàn Tấn Bửu phát biểu tại buổi lễ

M.T

BS Đoàn Tấn Bửu cho biết, trung bình một ngày có khoảng 3 ca bệnh lý về tim mạch can thiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp phải chuyển đi tuyến trên để điều trị. Nhờ công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia của BV ĐHYD TP.HCM, Đơn vị can thiệp nội mạch có thể đi vào hoạt động, giúp người dân không phải đi điều trị tại các bệnh viện tuyến trên, tránh mất giờ vàng, tiết kiệm thời gian, chi phí. 

"Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên Đơn vị can thiệp nội mạch sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quý báu từ các chuyên gia của BV ĐHYD TP.HCM để có thể hoàn thiện kỹ năng, thực hiện thường quy kỹ thuật can thiệp tim mạch và ngày càng mở rộng các danh mục kỹ thuật điều trị để có thể phục vụ người bệnh trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn", BS.CKII Đoàn Tấn Bửu chia sẻ.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch cho Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp- Ảnh 2.

GS-TS-BS Trương Quang Bình phát biểu tại sự kiện

M.T

Theo GS-TS-BS Trương Quang Bình, việc chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến tỉnh là nhiệm vụ thường xuyên của BV ĐHYD TP.HCM. Trong lĩnh vực tim mạch, trong nhiều năm qua, BV ĐHYD TP.HCM đã chuyển giao kỹ thuật về can thiệp mạch vành, can thiệp tim mạch… cho nhiều bệnh viện khu vực phía Nam như BV ĐHYD Cần Thơ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang... Sau khi được chuyển giao thành công, ngày càng nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã trở thành các trung tâm can thiệp độc lập cho địa phương cũng như các tỉnh lân cận. 

"Đây cũng là một dấu ấn cho sự phát triển về chuyên môn trong lĩnh vực tim mạch can thiệp của Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp. Từ đây ngành tim mạch của tỉnh Đồng Tháp sẽ được phát triển chuyên sâu hơn, các vấn đề liên quan đến mạch máu như: đột quỵ não, mạch máu trong tạng, mạch máu dưới chi, bệnh lý van tim… sẽ được giải quyết triệt để hơn. Tôi cho rằng đây là động lực không chỉ cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Tháp mà còn cho các bệnh viện khu vực lân cận cùng phát triển chuyên môn, triển khai các kỹ thuật tiên tiến để giải quyết các vấn đề sức khỏe cho người bệnh", GS-TS-BS Trương Quang Bình chia sẻ.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch cho Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp- Ảnh 3.

TS-BS Vũ Hoàng Vũ và ê kíp Khoa Tim mạch can thiệp BV ĐHYD TP.HCM hỗ trợ đội ngũ y tế Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp thực hiện thành công ca can thiệp đầu tiên

M.T

Sau lễ khai trương, TS-BS Vũ Hoàng Vũ và ê kíp Khoa Tim mạch can thiệp BV ĐHYD TP.HCM đã hỗ trợ đội ngũ y tế của Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp thực hiện thành công ca can thiệp đầu tiên tại Đơn vị can thiệp nội mạch. Người bệnh là nữ 64 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp, kết quả chụp mạch vành cho thấy một nhánh lớn đã bị tắc. Các bác sĩ nhanh chóng đặt stent động mạch vành. Đây là kỹ thuật tiên tiến, can thiệp mạch để tái tưới máu cho vùng cơ tim bị tổn thương.

Theo TS-BS Vũ Hoàng Vũ, triệu chứng điển hình nhất của nhồi máu cơ tim là đau nặng ngực: đau giữa ngực, sau xương ức hoặc hơi lệch trái, cảm giác nặng, bóp nghẹt, siết chặt... Thời gian đau ngực thường trong khoảng 20 - 30 phút hoặc dài hơn. Người bệnh có thể kèm vã mồ hôi, khó thở và bất tỉnh. Cũng có người bệnh không đau ngực mà đau bụng vùng trên rốn, đau sau lưng. Người bị nhồi máu cơ tim cần được tái lưu thông mạch máu nuôi tim càng sớm càng tốt nhằm hạn chế tế bào cơ tim bị tổn thương và hoại tử. Thời gian gian vàng là 48 giờ đầu tiên, nhất là 12 giờ đầu. Chính vì vậy, ngay có dấu hiệu nêu trên, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch can thiệp để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.