“Bệnh viện” động vật hoang dã

23/01/2011 12:08 GMT+7

(TNTS) Suốt ngày, những nhân viên làm việc ở Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (TP.HCM) tất bật với việc chữa trị, chăm sóc, huấn luyện những động vật hoang dã bị săn bắt để đưa chúng trở lại với môi trường tự nhiên.

Cứu hộ trên từng cây số

Reng… reng. "A lô, anh ở Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi hả? Có con tê tê bị bắn trộm bán cho một nhà hàng ở Bình Dương" - "Tình trạng nó thế nào?". "Bị cụt 1 chân, trông nó rất yếu, mấy anh cho người lên cứu nó đi".

Lập tức, những thành viên cốt cán của Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi hội ý nhanh. Những cuộc điện thoại chớp nhoáng: "Xe đi Bình Dương ngay bây giờ, tối về giá bao nhiêu?" - "Sao mà đắt thế, chúng tôi đi làm công việc từ thiện, cứu thú vật mà, bớt chút đi…" - "A lô, chuẩn bị dụng cụ lên đường nhanh!". Xe đến, mọi người thoăn thoắt lên xe và biến mất sau lớp bụi mờ, để rồi lát sau đem về một con vật mình đầy thương tích, có con vết thương còn rỉ máu.

Một ngày ở trạm cứu hộ thường nhộn nhạo như ở một khoa cấp cứu trong một bệnh viện lớn. Chỉ khác ở chỗ "bệnh nhân" của trạm không phải là người mà là những động vật hoang dã đủ chủng loại, từ những con vật quý hiếm thuộc nhóm Ib (đe đọa tuyệt chủng), đến những loài khác ít quý hiếm hơn được cứu thoát sau những cuộc săn bắn.

Cách ngày chúng tôi đến trung tâm ít hôm, các "y bác sĩ" ở Trạm động vật hoang dã Củ Chi vừa đi cứu hộ thành công 6 con vượn ở Lâm Đồng. Hôm chúng tôi có mặt tại trạm cũng là lúc chúng đã có thể nhảy nhót, đùa vui.


Một tình nguyện viên người nước ngoài đang chăm sóc động vật hoang dã tại Trạm cứu hộ

Giọng chùng xuống, ông Nguyễn Chuông, Phó giám đốc Trung tâm cứu hộ TP.HCM kiêm Trạm trưởng Trạm cứu hộ Củ Chi, kể với chúng tôi về trường hợp không cứu kịp con voọc chà vá chân đen ra Nha Trang với vẻ mặt buồn rười rượi: "Nhận được thông tin ở Hạt Kiểm lâm Diên Khánh có một con voọc chà vá chân đen cần cứu hộ, chúng tôi tức tốc thuê xe nhưng ra đến nơi thì nó hấp hối, không cứu kịp. Chuyến xe quay về lại TP.HCM mà mọi người buồn thiu, chỉ nhớ đến cảnh con voọc chà vá khoảng mấy tháng tuổi, còn đang bú, khi mổ khám nghiệm thấy trong bao tử toàn chuối. Nếu chúng tôi có xe riêng (hiện trung tâm không có xe ô tô), chủ động thời gian đi, có nhiều thông tin hơn thì đã cứu được nó rồi".

Địa bàn cứu hộ của trạm là khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ và cả miền Trung. Những con thú khi được đưa về đây sẽ được xét nghiệm máu, ADN, băng bó vết thương, chăm sóc, huấn luyện cho đến khi chúng khỏe mạnh, không bệnh tật, đảm bảo có thể tồn tại trong tự nhiên. Nhân viên trạm sẽ liên hệ với các vườn quốc gia (Cát Tiên, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Lò Vò Xa Mát - Tây Ninh, Cúc Phương) để thả chúng về đúng môi trường của nó. Tất cả đều hoàn toàn phi lợi nhuận vì đây là hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã.

Anh Lê Xuân Lâm, Quản lý trạm cứu hộ (thuộc Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã - WAR) cho biết, mục tiêu của dự án này là vận động nâng cao nhận thức trong cộng đồng về việc tránh săn bắt, ăn thịt thú rừng…


Du khách tham quan Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi

Reng… reng. "Anh Lâm ơi, có con rùa biển bên thủy sản vừa bắt được ở Bạc Liêu, cứu hộ được không?". Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại như thế...

Kỳ công chăm sóc thú

Theo ông Nguyễn Chuông, Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, kinh phí do Tổ chức WAR tài trợ, nhằm giải quyết số thú bắt giữ ở TP.HCM, ưu tiên cứu hộ cho những loài thú nhóm 1 quý hiếm: gấu, vượn, cu li, mèo rừng. Kết quả, từ tháng 7.2006 đến tháng 8.2010, trạm tiếp nhận cứu hộ 1.181 con thú, gồm 61 loài, thả về tự nhiên 1.133 con, số còn lại đang cứu hộ.

Hôm chúng tôi đến trung tâm có 112 cá thể động vật ở đây: gấu chó (3), gấu ngựa (5), vượn má hung (21) má trắng (1), cu li nhỏ (12), mèo rừng (1), rái cá lông mượt (8), tê tê (5), khỉ mặt đỏ (1)…

Lê Khắc Minh Nam

Mỗi tháng, trung tâm chi hàng trăm triệu đồng cho phần thức ăn của thú. "Một con tê tê ăn 1/2 kg trứng kiến, mất khoảng 90 ngàn đồng/ngày. Một con ăn 1 tháng mất mấy triệu rồi nhưng nó không khỏe thì không thả được. Công tác cứu hộ rất gian nan", một nhân viên trung tâm nói. Đó là chưa kể tiền thuê xe chở chúng về rừng thả, như trước đó chỉ để thả hai con đồi mồi trị giá chỉ 1 - 2 triệu nhưng chi phí cứu hộ phải bỏ ra là hàng chục triệu đồng.

Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã ở Củ Chi được xây dựng trên khu đất 4.000m2. Dạo quanh nơi đây, chúng tôi thấy khác với sở thú vì không gian có nhiều mảng xanh, áp dụng kỹ thuật cao, ngoài việc chăm sóc cho thú ăn còn có chỗ cho chúng... chơi và đặc biệt các chuồng thú đều rất sạch sẽ. "Cái nhà anh ở có thể dơ nhưng chuồng thú phải sạch sẽ, thiết kế quả bóng, võng, thùng phuy… để con thú vận động, tự tìm thức ăn. Chứ mai mốt về rừng làm gì có ai dâng thức ăn đến tận miệng. Nếu không huấn luyện, nó sẽ không thể tồn tại trong tự nhiên", anh Lâm nói.


Con tê tê này được Trạm cứu hộ cưu mang nuôi dưỡng suốt đời vì chỉ còn 3 chân (do bị săn bắt trái phép) khó có thể sống ở môi trường tự nhiên

Xử lý cứu hộ là một quy trình khép kín, từ xử lý bệnh tật cho đến huấn luyện sức khỏe, đảm bảo khi con thú trở về hoang dã là phải hoàn toàn khỏe mạnh. Các nhân viên ở đây kiểm tra, xác định từ những mầm bệnh bên trong, bên ngoài và môi trường thả ra xem có đúng môi trường của nó không, có làm mất cân bằng sinh thái không... "Một con thú khi rời trung tâm về rừng, hồ sơ của nó dày hơn của một... con người. Mẫu máu của nó còn được gửi sang tận Hồng Kông xét nghiệm", anh Lâm cho biết thêm. Chẳng hạn, một con rùa khi vào đây được kiểm tra sức khỏe, đo trọng lượng, lên danh sách lượng thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và được theo dõi bằng sổ thú y: xổ lãi, diệt ký sinh trùng. Rùa thường phải chăm sóc trung bình 6 tháng mới phục hồi sức khỏe.

Những người bạn của động vật hoang dã

Không chỉ có cán bộ, nhân viên mà ở trạm cứu hộ cũng có nhiều tình nguyện viên người nước ngoài, họ được xem là những người bạn thân tình của các loài động vật hoang dã tại đây. Họ tình nguyện làm việc không có thu nhập. Anh Lâm nhận xét: "Nhận thức của những người nước ngoài này khá cao, họ muốn làm việc chăm sóc, cứu hộ những động vật hoang dã này vì đó là việc làm rất có ý nghĩa trong cuộc sống".

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Chuông cho biết: trước đây làm công tác kiểm lâm ông không chú ý đến cứu hộ, chỉ để ý đến những qui định về pháp luật chứ không biết tập tính con vật nào ra sao, chúng ăn gì… nên hồi đó khi bắt được thú chúng rất dễ chết. Nhưng từ khi chuyển ra trung tâm chúng được các "bác sĩ" chăm sóc rất kỹ. Sống với chúng, ông Chuông cũng dần quen biết tập tính của từng loài. "Mấy con vượn rất tình cảm, nhất là đối với các anh, còn các chị thì thôi, nên tránh xa", ông Chuông cười hóm hỉnh.

Bài & ảnh: Minh Nam - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.