Sáng 4.9, trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Phùng Thị Huyền, trưởng Khoa nội 6, phụ trách Phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện K, cho biết Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, ngày cao điểm có khoảng 2.000 người đăng ký khám, bao gồm: khám bảo hiểm y tế, khám tự nguyện (không có BHYT hoặc có BHYT và không có giấy chuyển tuyến) và khám bệnh theo yêu cầu. Từ 6 giờ sáng bộ phận đã tiếp đón đã cấp số thứ tự chờ khám bệnh và hướng dẫn đăng ký khám theo từng chuyên khoa ung bướu.
Trả lời câu hỏi vì sao vẫn duy trì cấp số khám và phân luồng khám, mà không thực hiện nhập thông tin cá nhân người đến khám đồng thời với phát số khám (là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng "bán lốt" như phản ánh), bác sĩ Huyền cho hay, do sảnh khám của bệnh viện không đủ lớn để cùng lúc tiếp nhận tất cả các bệnh nhân đến khám cao điểm vào đầu giờ sáng, nên chỉ sau khi lấy số, bệnh nhân mới đến các phòng khám chuyên khoa theo hướng dẫn của nhân viên tiếp đón.
Về hiện tượng mua bán số khám, bác sĩ Huyền chia sẻ, nhiều tháng trước, bệnh viện cũng phát hiện nhóm người xếp hàng lấy số khám trước, sau đó bán lại số khám cho người đến khám thực. "Sau khi phát hiện, bệnh viện đã chấn chỉnh và hiện hầu như không còn tình trạng này", bà Huyền khẳng định.
Sáng nay 5.9, bác sĩ Huyền tiếp tục thông tin với PV Thanh Niên: "Sáng nay, nhân viên quản lý chất lượng từ 6 giờ đã có mặt và bí mật quan sát các hoạt động lấy số khám bệnh. Không có hiện tượng như báo phản ánh" (?).
Thông tin này trái ngược với thực tế mà PV Thanh Niên ghi nhận những ngày trước đó, trong bài viết 'Cò xếp lốt' bủa vây Bệnh viện K; tình trạng một người có nhiều phiếu khám và chào mời bán lại cho các bệnh nhân đến sau tại sảnh và cổng bệnh viện diễn ra khá công khai. Người bệnh chỉ cần bỏ ra từ vài chục, đến vài trăm ngàn là có thể mua được số thứ tự để vào làm thủ tục khám ngay, không cần phải vất vả xếp hàng từ tờ mờ sáng.
Với mỗi phiếu số thứ tự được sang tay theo cách này, đồng nghĩa với việc có một bệnh nhân thực sự bị chen ngang khi đợi làm thủ tục tại bệnh viện này.
Bệnh viện không ghi nhận, không nhận được phản ánh
Cũng trong cuộc làm việc với PV ngày 4.9, bác sĩ Huyền cho biết, tại mỗi khoa phòng, Bệnh viện K đều có số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện, của khoa và hòm thư góp ý. Người bệnh và người nhà phản ánh thông tin mà hoàn toàn không cần để lại danh tính cá nhân, để có thể cảm thấy thoải mái nhất. Nhưng bệnh viện không nhận được thông tin về việc phải mua số khám bệnh.
Ông Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện K, cũng cho hay khoảng hơn nửa năm trước, BV có phát hiện một nhóm người xếp hàng sớm, lấy số và sau đó bán lại số khám này cho BN với giá 200.000 đồng/số khám. Sau đó, bệnh viện phát hiện và đã có mời nhóm người này lên làm việc, yêu cầu cam kết chấm dứt.
"Chúng tôi cho rằng hiện không còn tình trạng bán số khám. Bệnh viện vẫn luôn duy trì đường dây nóng 0904.690.818 trực, hỗ trợ và tiếp nhận thông tin phản ánh từ bệnh nhân và người nhà", ông Tĩnh nói.
Tại sao không ứng dụng công nghệ thông tin đăng ký khám?
Việc quá tải ở các bệnh viện tuyến T.Ư, dẫn đến những tiêu cực trong hoạt động khám chữa bệnh, là mảnh đất cho "cò" bệnh viện hoành hành đã từng khiến Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến cuối đau đầu. Nhưng cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và yêu cầu chuyển đổi số, những năm gần đây, nhiều bệnh viện đã giải quyết cơ bản tình trạng này.
Để giảm thấp nhất tình huống cò "xếp lốt", Bệnh viện Bạch Mai đã ban hành quy trình về đón tiếp bệnh nhân đến khám bệnh. Trong đó, cùng với việc đến sớm, tiếp đón từ 5 giờ 30, nhân viên đón tiếp sẽ cung cấp số thứ tự khám và điền ngay thông tin bệnh nhân, bao gồm thông tin về thẻ BHYT; thông tin cơ bản về chuyên khoa cần khám.
Sau đó, bệnh nhân sẽ đóng tiền và đi đến bàn khám chuyên khoa theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Tại đây, bệnh nhân chờ khám và theo dõi số thứ tự trên bảng điện tử. Khi đến lượt khám, bệnh nhân sẽ nộp lại biên lai phiếu khám cho nhân viên y tế và vào bàn khám của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có chỉ định vào viện, sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn về thủ tục.
Thay vì dồn tất cả bệnh nhân vào một cửa và chờ đợi, Bệnh viện Bạch Mai hiện cũng đã chia thành các khu vực đón tiếp riêng cho bệnh nhân khám theo yêu cầu và khám BHYT, do đó việc nhập thông tin được thực hiện nhanh chóng ngay khi lấy số khám. Việc này vừa tránh cho bệnh nhân phải xếp hàng chờ đợi lấy số quá mệt mỏi, lại tránh các hành vi tiêu cực như tình trạng"xếp lốt" bán số thứ tự kể trên.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, Bộ Y tế luôn yêu cầu các bệnh viện quán triệt quy tắc ứng xử, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, quy định chuyên môn của nhân viên y tế; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số y tế trong triển khai thực hiện các quy trình khám, chữa bệnh…, thực hiện phương châm "lấy người bệnh là trung tâm.
Bình luận (0)