BV đứng giữa hai “làn đạn”
Bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc BVĐK Đồng Nai cho biết cách đây vài ngày trong cuộc họp với Sở Y tế, ông đã kiến nghị cơ quan này làm việc với Công an tỉnh Đồng Nai để có hướng giải quyết linh động đối với những trường hợp
tử vong do TNGT. “Cụ thể, trong trường hợp tử vong do TNGT chỉ cần người thân ký cam kết không khiếu nại, khiếu kiện thì chúng tôi kiến nghị công an nên cho họ đưa thi thể về mai táng, không nên giữ lại tránh gây bức xúc”, bác sĩ Tuấn cho hay.
Theo bác sĩ Tuấn, tại BVĐK Đồng Nai, trung bình một tháng có khoảng 5 - 6 trường hợp tử vong do TNGT. Các nạn nhân bị
TNGT khi đưa vào bệnh viện mới tử vong, người nhà nạn nhân đều mong muốn sớm đưa thi thể về lo mai táng. Họ sẵn sàng ký cam kết không khiến nại, khiếu kiện về sau dù trường hợp đó con em mình bị người khác tông phải.
Tuy nhiên, bên công an lại quy định, trường hợp nạn nhân đưa đến cấp cứu và chết tại BV do TNGT, tai nạn lao động, ngộ độc, bị đả thương (không phải do bệnh lý) thì BV phải cung cấp ngay thông tin cá nhân, tình trạng của nạn nhân cho cơ quan CSĐT Công an cấp thành phố, thị xã, huyện nơi xảy ra vụ việc để phối hợp giải quyết.
Sau khi BV thông tin, trong vòng 24 giờ cơ quan CSĐT có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin và thông báo cho BV hướng xử lý tiếp theo. Khi chưa có thông báo, ý kiến của CSĐT, đề nghị BV không cho gia đình nạn nhân nhận xác về mai táng. “Vì vậy mà BV đứng ở giữa hai “làn đạn”. Chúng tôi rất khổ sở. Cho lấy xác về thì không đúng quy định, còn giữ lại thì bị người nhà nạn nhân bức xúc chửi bới, có khi còn hành hung các nhân viên y tế”, bác sĩ Tuấn nói.
|
|
|
“Trong trường hợp tử vong do TNGT chỉ cần người thân ký cam kết không khiếu nại, khiếu kiện thì chúng tôi kiến nghị công an nên cho họ đưa thi thể về mai táng, không nên giữ lại tránh gây bức xúc”, bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc BVĐK Đồng Nai
|
|
|
|
|
Khó có thể giải quyết linh động
Cũng theo bác sĩ Tuấn, đối với những ca TNGT xảy ra ở TP.Biên Hòa thì công an đến sớm vì trụ sở ở gần. Trong khi đó, đối với những ca ở huyện thì thường lâu hơn, có khi vài giờ đến nửa ngày. Mà khi công an địa phương đến BV còn phải xác minh, trưng cầu giám định tử thi xong mới cho thân nhân mang xác về mai táng.
Bác sĩ Tuấn bộc bạch: “Người nhà bệnh nhân chờ 30 phút đến 1 giờ không thấy bóng dáng công an đến họ đã sốt ruột, bức xúc rồi. Đằng này có nhiều trường hợp kéo dài lâu hơn thì thử hỏi ai chịu cho thấu. Ngoài ra, tâm lý của họ cũng không muốn con em mình bị mổ xác để khám nghiệm tử thi. Đặt mình vào vị trí đó thì mình cũng không muốn như vậy".
"Ngoài ra còn có nhiều trường hợp, bệnh nhân không thể cứu chữa, sắp tử vong, người nhà muốn đưa về để có giây phút lâm chung được ở bên đông đủ con cái, bố mẹ, anh em nhưng theo quy định cũng không được. Chúng tôi rất hiểu và thông cảm nên bây giờ kiến nghị để giải quyết linh động hơn”, bác sĩ Tuấn nói thêm.
Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Kim cho biết chưa nhận được văn bản hay kiến nghị gì của Sở Y tế. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng quan điểm của Công an tỉnh Đồng Nai là giải quyết theo luật chứ không thể linh động được.
Bình luận (0)