Bệnh viện Nhi đồng 2 gián đoạn việc ghép gan hơn 6 tháng qua

Lê Cầm
Lê Cầm
23/05/2023 09:31 GMT+7

Theo đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2, vì nhiều lý do khác nhau, từ tháng 10.2022 đến nay, bệnh viện gián đoạn trong công tác ghép gan.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết ca ghép gan đầu tiên của bệnh viện được thực hiện thành công với sự phối hợp của giáo sư từ viện trường Saint Luc, Vương quốc Bỉ, vào ngày 5.12.2005.

Từ đó đến năm 2018, việc ghép gan diễn ra đều đặn với tổng số ca được thực hiện là 13 ca trong 15 năm. Tuy nhiên, từ năm 2019- 2021, đại dịch Covid-19 làm gián đoạn công tác hỗ trợ của các giáo sư quốc tế, công tác ghép gan bị đình trệ. Trước tình cảnh các bệnh nhi mắc bệnh suy gan mạn dần trở nặng, ê kíp của bệnh viện đi tìm giải pháp cứu sống các bé với quy trình thực hiện ghép gan tự chủ.

Bước đầu, Bệnh viện Nhi đồng 2 được sự hỗ trợ chuyên môn từ hai bệnh viện lớn là Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, chủ yếu trong vấn đề lấy tạng người lớn. Sau đó, bệnh viện nhận thấy các bác sĩ Nhi cũng có thể thực hiện việc lấy tạng người lớn bằng cách cử bác sĩ học những chứng chỉ cần thiết. Để được cho phép theo đúng quy trình, các bác sĩ Nhi sẽ gặp khó khăn về mặt chứng chỉ hành nghề chuyên ngành Nhi khoa hoặc Ngoại nhi, chưa được cấp các chứng chỉ hành nghề liên quan chuyên môn ghép tạng người lớn. Do đó, bệnh viện đã quyết tâm lên kế hoạch tiến hành các công tác chuẩn bị và cử bác sĩ tham gia những lớp học phù hợp.

Thứ hai là phòng mổ cũ có hạn chế về cơ sở hạ tầng, số lượng phòng mổ ít, nhân lực còn thiếu, nhưng phải bảo đảm cho nhiều chuyên khoa: phẫu thuật tim hở, ngoại thần kinh, ghép tạng… Là một trong những cơ sở điều trị tuyến cuối, bệnh viện có số lượng lớn bệnh nhân tim mạch và ngoại thần kinh cần phẫu thuật gấp.

Bệnh viện Nhi Đồng 2 đình trệ ghép gan hơn 6 tháng qua                    - Ảnh 1.

Các y, bác sĩ trong quá trình thực hiện ca ghép thận cho bé trai ngày 21.8.2022 tại BV Nhi đồng 2

BVNĐ2

"Nếu nghiêng về một chuyên ngành nào, ngay cả là ghép tạng, sẽ ảnh hưởng tiến độ phẫu thuật của các bệnh lý quan trọng và cấp bách khác. Hiện tại phòng mổ mới xây dựng đã gần hoàn thiện và đang làm công tác báo cáo Sở Y tế", bác sĩ Thạch cho biết.

Ngoài ra, theo bác sĩ Thạch, một lý do quan trọng để công tác ghép tạng bị trì hoãn còn liên quan đến việc thiếu nguồn tạng để cấy ghép. Nguồn tạng ghép cho trẻ em rất hạn chế, đa số từ người cho trong gia đình. Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng tìm được nguồn tạng phù hợp. Ghép tạng từ người cho chết não cũng là một trong những cứu cánh cho bệnh nhân suy tạng.

Ngoài ra, để đảm bảo chuyên môn, bệnh viện cũng gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian khi tiến hành hoạt động ghép tạng: từ chọn bệnh nhân phù hợp theo thứ tự trong danh sách, tiến hành hàng loạt xét nghiệm của cặp ghép, thành lập hội đồng chuyên môn nhiều lần để cùng bàn bạc các vấn đề phát sinh, thay đổi cặp ghép liên tục tùy tình trạng bệnh nhân và gia đình, hội chẩn với các chuyên gia để nâng cao khả năng chuyên môn nhằm thực hiện an toàn người bệnh… Vào giữa tháng 3 năm nay, sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy có người cho chết não hiến thận, bệnh viện đã tiến hành hội chẩn nội viện, liên viện để khởi động ghép tạng ngay. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm không phù hợp giữa người cho và người nhận nên không thực hiện được.

"Để tiến hành một ca ghép gan, đòi hỏi phải có sự hòa hợp về miễn dịch chứ không phải chỉ cần cùng huyết thống. Hiện bệnh viện đang tiếp nhận chuyển giao nên phụ thuộc các đối tác bệnh viện người lớn, từ công tác hội chẩn hay lấy gan từ người lớn. Do đó chúng tôi muốn sớm giải quyết để quy trình ghép tạng tự chủ được thực hiện sớm nhất và an toàn nhất. Bệnh viện không có chủ trương chuyển bệnh nhân đi đâu cả, bệnh viện nhận thiếu sót để điều chỉnh tốt hơn", bác sĩ Thạch chia sẻ.

Trong thời gian này, các bệnh nhân ghép tạng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn đang được theo dõi sát, điều trị nội khoa phối hợp, chuyển tuyến đến cơ sở y tế phù hợp khi cần.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.