Trong 3 bệnh viện (BV) nhi tại TP.HCM là Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố thì có lẽ hiện BV Nhi đồng 2 có cơ sở vật chất cũ kỹ nhất. Dù có khuôn viên rộng, cây xanh phủ đẹp, được đầu tư khoa khám bệnh mới và đang xây dựng khu kỹ thuật cao, nhưng BV Nhi đồng 2 đang gặp khó vì phải gánh lượng bệnh nhi (BN) và thân nhân rất đông.
Hiện mỗi ngày BV Nhi đồng 2 có từ 3.000 - 5.000 lượt khám, tổ chức 100 bàn khám và thay đổi theo số lượng BN. BV có 1.400 giường bệnh chỉ tiêu nhưng số giường thực kê luôn vượt.
BN, THÂN NHÂN VẬT VỜ Ở HÀNH LANG
Tại BV Nhi đồng 2 những ngày qua, khoa Ung bướu huyết học đang phải tạm đóng do xuống cấp, nhiều trẻ bị ung thư nhập viện phải nằm hành lang 3 - 4 ngày để đợi có giường bệnh.
Ngày 14.11, theo ghi nhận của PV tại khu điều trị nội trú khoa Nội 2, BV Nhi đồng 2, tất cả BN khoa Ung bướu huyết học đều được chuyển sang đây. Mỗi phòng có 5 - 6 giường bệnh, không còn giường trống, nhiều BN phải nằm giường kê thêm ngoài hành lang. Mẹ của BN Tuấn A. (13 tuổi) cho hay con chị bị ung thư máu, điều trị từ tháng 8.2024. Sau thời gian về nhà thì em vừa nhập viện lại để truyền thuốc. Tuy nhiên vì số lượng BN quá đông nên em phải nằm đợi ngoài hành lang cho đến khi có BN khác xuất viện. Theo mẹ bé Tuấn A., vì thiếu giường bệnh, nhiều BN được sắp xếp nằm ở các giường gấp. Nếu đủ rộng thì người nhà có thể nằm cùng nhưng cũng có nhiều trẻ lớn nên phụ huynh đành trải chiếu dưới đất để nằm.
Hai bên hành lang, cả trăm chiếc giường được xếp nối liền san sát nhau. Đồ đạc cá nhân của người nhà và BN được xếp dưới gầm giường, chỗ nào trống đều được tận dụng tối đa. Lối đi ngoài hành lang chỉ đủ một người đi qua. Tiếng trẻ con khóc lẫn tiếng nói chuyện của nhiều người khiến không khí càng thêm ngột ngạt.
"Vì khoa quá tải nên các vấn đề vệ sinh, tắm giặt vào những giờ cao điểm cũng rất vất vả. Mọi người dùng chung nhà vệ sinh ở các phòng bệnh nên mỗi sáng phải xếp hàng có khi đến cả tiếng đồng hồ", chị N.T.M đang chăm con bị ung thư máu cho biết thêm.
Tại khoa Hô hấp BV Nhi đồng 2, mặc dù BN không đông như thời điểm trước, nhưng hiện tượng BN mắc võng nằm ngoài hành lang vẫn diễn ra. Tại khoa Nhiễm, vẫn còn tình trạng 2 BN nằm chung giường.
Tương tự, tại khu vực khoa Sơ sinh, theo ghi nhận của PV, không gian hành lang chật chội khi những chiếc chiếu được xếp thành hàng, cùng với giường xếp và võng là chỗ nghỉ ngơi cho người nhà BN.
Bà T. (quê Bình Định) vào TP.HCM phụ chăm cháu với con dâu. Ban đầu, cháu bà nhập viện do sốt siêu vi, sau khi nhập viện cháu bị thêm tiêu chảy. Con dâu chăm cháu ở trong phòng bệnh còn bà thì nằm đỡ bên ngoài. "Vì phòng bệnh có tới mười mấy giường chật chội nên không có chỗ kê thêm chỗ nằm. Tôi phải ra ngoài nằm chung với nhiều người khác, trời nóng thì oi lắm, mấy hôm mưa còn tạt cả vào chỗ ngủ", bà T. kể.
Cảnh nằm vật vã không chỉ ở khu nội trú, mà ngay cả khu khám bệnh, nhiều người nhà và BN cũng nằm gục đầu nghỉ ngơi sau nhiều tiếng chờ khám và đợi kết quả. Chị H.N (quê Đồng Tháp) cho biết con chị có dấu hiệu đau bụng nhiều nhưng khám và điều trị dưới quê không hết nên đưa con lên BV Nhi đồng 2. Chị và con đi từ Đồng Tháp lên lúc 3 giờ sáng, đến BV là hơn 7 giờ, lấy số chờ để siêu âm. Đến hơn 10 giờ vẫn chưa được vào khám nên mẹ con chị trải đỡ chiếc chiếu nằm nghỉ. Lúc đi, chị chuẩn bị một vali đồ nhỏ để lỡ con nhập viện thì có mà dùng.
BN NGOẠI TỈNH CHIẾM SỐ ĐÔNG
Theo BV Nhi đồng 2, lượt BN khám chữa bệnh ngoại trú năm 2022, 2023 giảm nhiều so với trước dịch Covid-19 (2019), giảm khoảng 600.000 lượt/năm. Riêng 10 tháng năm 2024, số khám ngoại trú là hơn 993.000 lượt, giảm hơn 100.000 lượt so với cùng kỳ 2023. Nội trú 10 tháng năm 2024 là 70.286 lượt, có tăng nhưng không đáng kể so với cùng kỳ 2023 (69.681).
Tuy nhiên, đáng chú ý là số lượng BN ngoại tỉnh khám ngoại trú luôn chiếm tỷ lệ cao hơn so với BN ở TP.HCM. Năm 2022, BV tiếp nhận 566.00 lượt khám BN ở TP.HCM, còn ở tỉnh là 782.300 lượt. Năm 2023 con số này là 526.000 lượt (39%) và 832.000 lượt (61%). Riêng 10 tháng năm 2024, số BN ở TP.HCM hơn 381.000 lượt, trong khi BN ở tỉnh là hơn 611.000 lượt. Tỷ lệ BN ngoại tỉnh nội trú cũng chiếm trên 60%.
Nói về việc BN, thân nhân nằm ngoài phòng bệnh, bác sĩ CK.2 Đặng Xuân Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi đồng 2, cho biết nhiều gia đình, BN muốn nằm bên ngoài cho thông thoáng. Lượng BN nội trú vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Để giải quyết bệnh nội trú, BV giải quyết ra viện luôn cả ngày chủ nhật, nếu BN tăng thì BV sẽ giải quyết ra viện vào ngày thứ bảy.
Mặt khác, trước đây BN nhập viện nội trú tiêm thuốc thì hiện chuyển qua khu điều trị trong ngày, tức vào tiêm thuốc xong, theo dõi và về. Mặt khác, những ca bệnh cần theo dõi mà chưa đủ điều kiện nhập viện thì cũng được chuyển đến khu điều trị trong ngày... "BN nội trú ở tỉnh cao hơn nguyên nhân do BN có chỉ định nhập viện. Mặt khác, nhiều BN nhà ở xa, tình trạng bệnh cho về không yên tâm thì bác sĩ sẽ cân nhắc cho nhập viện 1 - 2 ngày, nếu cho về dọc đường có chuyện gì thì trở tay không kịp", bác sĩ Vinh thông tin.
Theo bác sĩ Đặng Xuân Vinh, để giảm tải, hằng năm BV Nhi đồng 2 đã chỉ đạo tuyến cho các tỉnh bằng 2 hình thức xuống tận tỉnh chuyển giao kỹ thuật và bác sĩ các tỉnh lên BV để học. Trả lời câu hỏi vì sao bệnh nhân vẫn lên tuyến trên dù tuyến dưới làm được, bác sĩ Vinh cho rằng hiện trang thiết bị y tế tuyến dưới khá ổn nhưng có thể bệnh nhân không tin tưởng và người nhà chủ động xin chuyển tuyến sau một thời gian điều trị và cũng có thể do biến động về nhân sự làm kỹ thuật ở các BV sau khi nhận chuyển giao.
"Khi BV Nhi đồng 2 tiếp nhận những bệnh nặng do tuyến dưới chuyển đến thì câu đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi vì sao phải chuyển lên? Đa số bệnh nhân nói ký hồ sơ tự đi vì thương hiệu ở BV Nhi đồng 2, mặc dù tuyến dưới cũng đã làm tốt", bác sĩ Vinh nói.
Vì vậy, theo bác sĩ Vinh, giải pháp là phải liên kết vùng chặt chẽ, làm tốt chuyển giao kỹ thuật, làm sao cho những BN như vậy vẫn điều trị ở tuyến dưới thì mới thành công, giảm tải hiệu quả cho tuyến trên. Mặt khác, phải truyền thông hiệu quả để cho người dân tin tưởng bệnh viện địa phương.
Nhiều ca bệnh tuyến dưới làm tốt nhưng không truyền thông, không giới thiệu nên thương hiệu không nổi trội, người dân không biết đến. "Tuyến y tế cơ sở là rất quan trọng, đừng để mất tuyến cơ sở và người dân cần ở tuyến cơ sở chứ không đi đâu cả, lúc đó mới thành công về điều trị", bác sĩ Vinh chia sẻ và khẳng định thêm để người dân tin tưởng thì đầu tiên phải phát triển chuyên môn, cơ sở vật chất, hạ tầng, thái độ giao tiếp…
Chuyên môn, thương hiệu BV rất quan trọng
Với BN, khi khám thì cần tái khám, theo dõi nhưng tuyến tỉnh chưa làm được và trong việc này thiệt thòi đầu tiên thuộc về BN vì phải thuê xe, bao xe đêm hôm lên TP.HCM. Với những bệnh thông thường như sốt, ho, sổ mũi… (không thuộc bệnh khó) thì sau khi khám chúng tôi khuyên nên tái khám ở địa phương. Vì vậy, thương hiệu, niềm tin thì phải giữ và truyền thông là cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó, đầu tư cần xây dựng mũi nhọn thật mạnh, không đầu tư dàn trải.
Bác sĩ Đặng Xuân Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi đồng 2
Bình luận (0)