Bệnh viện Nhi Thanh Hóa ghép thành công xương cánh chậu vào xương hàm trên cho trẻ

02/08/2019 16:19 GMT+7

Là kỹ thuật phức tạp, nhưng Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã thực hiện thành công hàng chục ca ghép xương hàm trên , xương ổ răng lấy từ xương cánh chậu cho các bệnh nhi bị khe hở môi - vòm miệng.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, ở Việt Nam, việc điều trị khe hở môi - vòm miệng từ trước đến nay chủ yếu chỉ bằng phương pháp phẫu thuật phần mềm. Phần xương của những bệnh nhân vẫn bị khuyết, khiến trẻ thường có tâm lý tự ti, kém hòa nhập với cộng đồng vì nói ngọng, khuôn mặt biến dạng…
Từ thực tế trên, năm 2013, Khoa Răng - Hàm - Mặt Bệnh viện Nhi Thanh Hóa được thành lập, trên cơ sở tách ra từ Khoa liên chuyên khoa của bệnh viện. Cũng từ thời điểm này, bệnh viện tổ chức cho các y bác sĩ tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật ghép xương cánh chậu vào xương hàm trên, xương ổ răng.
Đến cuối năm 2017, khi đã hội tụ đủ yếu tố chuyên môn, cùng với các thiết bị, máy móc hiện đại, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa bắt đầu triển khai kỹ thuật lấy một phần xương cánh chậu để ghép vào xương hàm trên, xương ổ răng cho bệnh nhi bị khe hở môi - vòm miệng.
Thời gian đầu, do kỹ thuật mới và phức tạp, hơn nữa tâm lý người dân còn chưa yên tâm, nên số lượng bệnh nhi phẫu thuật còn hạn chế. Tuy vậy, sau nhiều cố gắng và chứng minh bệnh viện đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật, nên từ đầu năm 2019 đến nay, số lượng ca ghép xương để chữa dị tật khe hở môi - vòm họng ngày càng tăng, trong đó có cả bệnh nhi người nước ngoài.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Văn Tứ, Trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho biết mặc dù là kỹ thuật mới, phức tạp, đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ phải có chuyên môn cao, nhưng khoa đã triển khai thành công kỹ thuật lấy xương cánh chậu ghép vào xương hàm, xương ổ răng ở vị trí bị khuyết. Từ đó, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình và bệnh nhi bị tật bẩm sinh khe hở môi - vòm miệng.
“Trẻ sinh ra bị khe hở môi - vòm miệng là dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt. Trẻ ngoài bị ảnh hưởng đến các chức năng, còn ảnh hưởng nặng nề và lâu dài về mặt thẫm mỹ cũng như sự phát triển tâm lý của trẻ. Tại Việt Nam, vấn đề điều trị khe hở môi - vòm miệng trước đây thường chỉ giới hạn ở việc phẫu thuật tạo hình lại khe hở bằng tổ chức phần mềm. Còn ở vị trí khuyết hổng về xương chưa được quan tâm nhiều. Vì vậy, sau phẫu thuật, trẻ vẫn bị biến dạng khuyết xương hàm trên, khuyết xương ổ răng, ảnh hưởng đến việc mọc răng của trẻ”, bác sĩ Tứ nói.
Từ thực tế mỗi năm có hàng trăm ca bị khe hở môi - vòm miệng đến bệnh viện thăm khám, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã tổ chức, phối hợp đào tạo chuyên sâu cho đỗi ngũ y bác sĩ. Kết quả, chỉ trong 7 tháng năm 2019, bệnh viện đã triển khai thành công hơn 40 ca phẫu thuật lấy xương chánh chậu ghép vào vị trí xương hàm trên, xương ổ răng cho những trẻ bị dị tật khe hở môi - vòm miệng. Đáng chú ý, trong số hơn 40 ca đã thực hiện, có nhiều bệnh nhi là người Lào, đã được đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện xử lý thành công, mang lại thẩm mỹ, nụ cười, giúp trẻ hòa nhập với cộng đồng.
Đối với việc ghép xương cánh chậu vào xương hàm trên, xương ổ răng, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhi phù hợp nhất là ở độ tuổi từ 6 - 7 tuổi trở lên, thời điểm trước khi thay răng số 3. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.