Qua 3 năm thực hiện (từ 2008 đến nay) đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” (gọi tắt là Đề án 1816), có gần 9.000 lượt cán bộ y tế tuyến trên đã đi luân phiên hỗ trợ tuyến dưới. Cụ thể tuyến Trung ương hỗ trợ tuyến tỉnh 4.000 lượt, tuyến tỉnh hỗ trợ tuyến huyện 2.000 lượt, tuyến huyện hỗ trợ tuyến xã 3.000 lượt.
|
“Làm thay” chứ không “làm thầy”
Trong quá trình luân phiên, lực lượng cán bộ y tế đã chuyển giao 4.200 kỹ thuật, trực tiếp khám chữa bệnh cho 4,5 triệu người bệnh, phẫu thuật hơn 1.600 ca và cứu sống hàng trăm người mắc bệnh hiểm nghèo mà nếu đưa lên tuyến trên thì nguy cơ tử vong sẽ cao; góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, uy tín cơ sở khám chữa bệnh ở cơ sở; giảm 30% số bệnh nhân chuyển lên tuyến trên không phù hợp...
Tuy nhiên, tình trạng thiếu cán bộ cơ sở, đặc biệt cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và việc duy trì thực hiện kỹ thuật được chuyển giao. Phần nhiều thời gian mà các bác sĩ tăng cường xuống cơ sở là phải “làm thay” chứ không phải “làm thầy”. Đây là một trong số những vấn đề nan giải.
Theo Sở Y tế tỉnh Điện Biên, từ đầu năm 2009 đến nay, địa phương này tiếp nhận 47 bác sĩ từ 11 bệnh viện tuyến Trung ương về luân phiên tăng cường. Song, do thiếu cán bộ chuyên môn, trang thiết bị tại chỗ… nên việc triển khai chuyển giao các kỹ thuật cao còn khó khăn, ảnh hưởng chất lượng hoặc chưa thể thực hiện.
Tiến sĩ Đào Ngọc Lan, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái, cũng cho hay tỉnh này có 17 bệnh viện đang hoạt động nhưng y, bác sĩ rất thiếu (bình quân chỉ 7,2 bác sĩ/vạn dân). Ngoài điều kiện rất khó khăn, các bệnh viện lại đều trong giai đoạn xây dựng, cải tạo nâng cấp, trang thiết bị lạc hậu… nên việc chuyển giao các kỹ thuật còn rất hạn chế. Việc luân phiên bác sĩ tuyến tỉnh về huyện, đặc biệt các huyện vùng cao, hiệu quả chưa cao, chủ yếu bác sĩ tuyến trên đi làm thay vì không có cán bộ, trang thiết bị để tiếp nhận kỹ thuật mới…
Không biết nhận cái gì?
Ở vị trí của y tế tuyến trên, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết một số bệnh viện tuyến dưới khó tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên do cơ sở xuống cấp, thiếu trang thiết bị, trình độ không đồng bộ, đặc biệt thiếu các labo xét nghiệm. “Cầm tay chỉ việc là chính. Khi cán bộ luân phiên rút đi thì các kỹ thuật không được tuyến dưới duy trì tốt”- tiến sĩ Anh lo ngại.
PGS-TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho biết các bệnh viện tuyến dưới mà đơn vị này đi luân phiên đều thuộc miền núi, khó khăn đủ thứ. Phải mất nhiều công sức mới chuyển giao được kỹ thuật thuộc 14 lĩnh vực chuyên khoa nhưng không phải muốn chuyển giao là được ngay, bởi tuyến dưới không đủ thiết bị, chuyên môn và cũng không biết nên nhận chuyển giao kỹ thuật gì. n Nhiều kỹ thuật cao của bệnh viện tuyến trên rất khó chuyển giao do bệnh viện tuyến dưới thiếu thiết bị, nhân lực.
Lãng phí! Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết năng lực y tế tuyến cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh của tuyến dưới được các chương trình dự án hoặc các tổ chức quốc tế trang bị một số máy móc, thiết bị y tế nhưng không có cán bộ đủ năng lực trình độ khai thác để sử dụng, dẫn đến lãng phí. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về thu nhập ở các tuyến đang tạo xu hướng dịch chuyển cán bộ y tế có tay nghề cao, chuyên môn sâu từ tuyến dưới lên tuyến trên, từ công lập ra dân lập, dẫn đến năng lực cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh càng hạn chế. Trong điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, người bệnh có xu hướng lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh với kỹ thuật cao, tình trạng vượt tuyến vì thế càng xảy ra nhiều hơn, dẫn đến quá tải bệnh viện tuyến trên càng nghiêm trọng. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)