Bệnh viện Việt Đức: Hơn 200 tấn chất thải y tế nguy hại đã được bán như thế nào ?

28/08/2007 23:31 GMT+7

Hôm qua 28.8, lãnh đạo Cục Cảnh sát môi trường (C36 - Bộ Công an) đã cung cấp một số thông tin ban đầu về vụ nhân viên Bệnh viện Việt Đức bán hơn 200 tấn rác thải y tế cho tư nhân để... tái chế thành đồ dùng sinh hoạt!

Theo thông tin ban đầu, lúc 14 giờ ngày 10.8.2007, các trinh sát của C36 phát hiện 2 xe ô tô tải 30H-7939 và 29V-8340 vận chuyển chất thải y tế từ Bệnh viện Việt Đức  qua cổng phụ số 3 phố Quán Sứ, Hà Nội, chạy theo hai hướng khác nhau. Xe 30H-7939 chạy đến điểm cuối cùng tại ngõ 715 đường Hồng Hà (Chương Dương, Q.Hoàn Kiếm) thì đưa các bao chất thải y tế xuống sân khu tập thể; xe 29V-8340 thì đi thẳng về nhà bà Triệu Thị Quý tại xóm Lẻ, Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội.

Kết quả kiểm tra tại cơ sở của bà Phạm Thị Vân (sinh năm 1960) ở ngõ 715 đường Hồng Hà cho thấy, lượng chất thải y tế được chở tới đây trong ngày 10.8 gồm 16 bao tải dứa, nặng gần 300 kg. Bên trong các bao tải này chứa các vỏ, lọ thuốc bằng nhựa, dây truyền dịch, bơm tiêm, vỏ lọ thuốc bằng thủy tinh mẫu mã các loại, đều đã qua sử dụng, nhiều chiếc còn dính dịch màu đỏ (nghi là máu) chưa được khử trùng và tiệt khuẩn. Tại nhà bà Quý, số chất thải y tế được chở đến là 55 bao, nặng 660 kg; bên trong cũng đựng vỏ lọ thuốc bằng nhựa, dây truyền dịch.... Đặc biệt, có hai túi nilon nặng 16 kg đựng bơm tiêm, trong đó còn nhiều chiếc dính máu, tất cả cũng đã qua sử dụng, chưa được khử trùng và tiệt khuẩn. 

Theo hai chủ hàng, họ đã mua chất thải y tế của khoa Chống nhiễm khuẩn - Bệnh viện Việt Đức và đưa về nghiền nhỏ, sau đó bán lại cho người khác để tái chế làm đồ dùng bằng nhựa như chậu, ca, gáo... Bà Quý đã thực hiện việc mua bán này với nhân viên khoa Chống nhiễm khuẩn từ năm 2002, ước tính số lượng chất thải y tế từ năm 2002 đến nay là khoảng 200-300 tấn. Theo lời khai của lái xe và chủ hàng thì nhân viên Bệnh viện Việt Đức bán lại cho họ với giá 6.000đ/kg nhựa, từ 300-1.500đ/kg chai, lọ thủy tinh. 

Sau cuộc làm việc ngày 13.8 giữa lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức và lãnh đạo C36, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Bảo vệ môi trường, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức thừa nhận việc làm sai trong khâu quản lý chất thải y tế nguy hại của khoa Chống nhiễm khuẩn, dẫn đến số chất thải y tế trên sau khi thu gom, tập kết về nơi cuối cùng của bệnh viện đã không được chuyển tới nơi xử lý theo đúng quy định.

Trong buổi làm việc với cán bộ C36, ông Lê Văn Bình, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn thừa nhận, có hai khâu chưa chặt chẽ trong công tác quản lý chất thải y tế của khoa. Một là ký trước giấy bán phế liệu rác y tế cho phép tái sử dụng mà không kiểm tra cụ thể từ khâu cân đến khi đưa lên xe ra ngoài BV. Hai là do trình độ có hạn, tinh thần trách nhiệm trong công việc được giao quá kém, nhân viên được giao quản lý kho chất thải y tế đã tự động và lén lút, tự ý lọc chọn các loại không được phép sử dụng để bán. 

Bà Phạm Thị Vân và bà Triệu Thị Quý khai nhận, thông qua một người tên Nguyễn Đức Cảnh, hai bà đã ký hợp đồng với bà Hương, là nhân viên khoa Chống nhiễm khuẩn để thu gom vào kho của khoa vào thứ năm, thứ sáu hàng tuần và chuyển đi vào chiều thứ sáu. BS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, bà Hương là cán bộ hợp đồng vụ việc thuộc khoa Chống nhiễm khuẩn, không phải là bác sĩ. "Chúng tôi đã ký hợp đồng với công ty môi trường về thu gom rác thải. Chủ trương của bệnh viện là không bán rác thải y tế. Khoa Chống nhiễm khuẩn có nhiệm vụ thu gom rác thải rồi chuyển cho phía công ty môi trường. Cá nhân nào bán những rác thải y tế trái quy định như kim tiêm, lọ truyền dịch sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sau vụ việc này, bệnh viện sẽ chấn chỉnh việc thu gom rác thải y tế". 

Hiện C36 đang tiếp tục theo dõi, nắm tình hình việc xử lý, vận chuyển, mua bán chất thải y tế nguy hại tại các bệnh viện khác. 

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.