Cụ thể, sau khi Bộ XD có kết luận chỉ ra hàng loạt sai phạm của PMU 1, Bộ GTVT đã có văn bản cho rằng, Bộ XD thanh tra vượt thẩm quyền, vì việc thanh tra về công tác đấu thầu đối với các dự án của ngành GTVT không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ XD. Ông Nguyễn Xuân Hào - Chánh thanh tra Bộ GTVT - cũng khẳng định, từ trước tới nay, thanh tra GTVT chỉ thanh tra các dự án, đơn vị thuộc sự quản lý của Bộ GTVT, chứ không thanh tra sang các đơn vị thuộc bộ khác.
Có thể thấy rõ sự nhầm lẫn, bởi ở đây, Bộ XD không tiến hành thanh tra hành chính Bộ GTVT hay các đơn vị thuộc Bộ GTVT, mà đang tiến hành thanh tra chuyên ngành về XD đối với các dự án do Bộ GTVT hay các đơn vị trực thuộc làm chủ đầu tư. NĐ 46/2005 (về nội dung thanh tra chuyên ngành XD) quy định rõ, đối tượng của thanh tra XD là tất cả tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động XD. Và thực tế, thanh tra Bộ XD đã và đang thanh tra cả các dự án do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an làm chủ đầu tư.
Tương tự, NĐ 136/2004 (quy định về hoạt động của thanh tra GTVT) cho phép thanh tra GTVT được thanh tra tất cả tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động liên quan đến GTVT. Nghĩa là, thanh tra Bộ GTVT hoàn toàn có thẩm quyền thanh tra chuyên ngành việc sử dụng phương tiện vận tải của Bộ XD hay bất kỳ bộ ngành nào khác.
Ông Hào cũng viện dẫn Nghị định (NĐ) 111/2006 (về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu) để cho rằng, chỉ có Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, tổ chức kiểm tra về đấu thầu trên phạm vi cả nước... Tuy nhiên, cần lưu ý, trong đấu thầu có 2 dạng: đấu thầu hàng hóa và đấu thầu xây lắp. Trong đó, đấu thầu hàng hóa không thuộc thẩm quyền của thanh tra XD, nhưng đấu thầu xây lắp (lựa chọn nhà thầu cho dự án) nằm trong 13 nội dung thanh tra khi tiến hành thanh tra một dự án XD quy định tại NĐ 46. Việc trích dẫn văn bản về một lĩnh vực (đấu thầu) để từ đó suy ra chức năng của thanh tra XD là không có cơ sở. Chưa kể, NĐ 111 đã hết hiệu lực từ năm 2008 (được thay thế bằng NĐ 58/2008 và sau đó là NĐ 85/2009) nhưng lại không được Bộ GTVT cập nhật kịp thời.
Đáng nói là, thay vì xử lý nghiêm các sai phạm của đơn vị trực thuộc, Bộ GTVT lại lên tiếng phủ nhận kết luận thanh tra như một kiểu bênh vực "người nhà". Trong khi đó, sai phạm của PMU 1 được xác định là rất nghiêm trọng với tổng số tiền chi sai lên đến 125 tỉ đồng. Đây không phải lần đầu tiên, mà từ năm 2006, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện hàng loạt sai phạm tại các dự án do PMU 1 quản lý, gây thất thoát tiền tỉ cho ngân sách.
Bộ GTVT là cơ quan lãnh đạo trực tiếp nhưng không kịp thời phát hiện các sai phạm của đơn vị do mình quản lý đã là một sự buông lỏng. Tuy nhiên, phản ứng của bộ này sau khi có kết luận thanh tra thể hiện sự thiếu cầu thị và thiếu trách nhiệm trong vai trò lãnh đạo. Thái độ của Bộ GTVT chẳng khác nào bảo "chuyện nội bộ của tôi đừng ai xía vào", trong khi thực chất các cơ quan này đang sử dụng tiền ngân sách nhà nước và các sai phạm - dù được phía nào phát hiện - cũng cần xử lý nghiêm.
Phương Thanh
Bình luận (0)