Bếp hồng thơ ấu

21/02/2015 05:00 GMT+7

(TN Xuân) Mai này trong lũ trẻ con/ Trưởng thành rồi biết có còn như xưa/ Có ngồi canh lửa sớm trưa/ Trông nồi bánh chín trời vừa nhá nhem...

(TN Xuân) Mai này trong lũ trẻ con/ Trưởng thành rồi biết có còn như xưa/ Có ngồi canh lửa sớm trưa/ Trông nồi bánh chín trời vừa nhá nhem...

Ngày tết năm nay và nhiều năm về sau nữa, nồi bánh tét có còn đỏ lửa ở khắp mọi nhà?Ngày tết năm nay và nhiều năm về sau nữa, nồi bánh tét có còn đỏ lửa ở khắp mọi nhà?

Quê tôi không có tục nấu bánh đêm xuân. Nửa đầu đêm giao thừa là thời gian làm róc ráy mọi công chuyện, kết thúc năm cũ bằng việc tắm gội sạch sẽ và nấu nồi chè, tề tựu rước ông bà. Từ nửa đêm về sáng là thời gian gói bánh tét bánh ú, nếu siêng tay làm thêm bánh ít lá gai. Bánh ít mau chín được hấp riêng, các loại còn lại chụm lửa nấu một nồi lớn trọn ngày mùng một. Ấy là người lớn suy nghĩ cho con cháu ở xa, về chơi trong ba ngày tết rồi ai trở lại nhà nấy, đi học đi làm. Gói bánh trễ hơn một ngày, bánh lâu hư được một ngày. Cho con cháu xách theo giữ một chút hương vị tết.
Ba mươi tuổi, lần đầu tiên tôi chịu ngồi xuống, tự tay gói một cái bánh ít lá gai. Chau mày mím môi làm lại cả chục lần mà cái bánh ít vẫn mang hình dáng một gói xôi lá chuối. Tôi rớt nước mắt cho sự vụng về. Nhưng trong lòng thầm cảm ơn cô bạn.
Chuyện là trong dịp tết cổ truyền năm ấy, cô bạn ở xa xôi thèm thuồng gọi hỏi, nhà mày làm món gì ăn. Tôi nhìn giáp vòng những món trong nhà, hào hứng nói lớn: “Từ hăm ba đưa ông Táo mày ạ. À mà không, từ hồi rằm tháng chạp lận chứ. Nhà tao món tết nào cũng có. Củ kiệu, đồ chua, dưa giá, mứt dừa, mứt me, mứt gừng, bánh ít, bánh tét, chè đậu, cháo gà... nhiều vô số kể”. Cô bạn cười vui vẻ: “Nhà mày có những món đó, nhưng món nào do mày làm? Mày là đứa ở thành về quê, có biết việc nhà không?”... Tôi chịu xấu hổ, bèn tập tành gói bánh.
Tự tay làm món củ kiệu ngon lành - Ảnh: Vĩnh Khánh
Từ chỗ “gói xôi” đến lúc tạm gọi là thành công với cái bánh ít meo méo, vừa đủ thời gian cho tôi suy nghĩ về cái thời của bà, của mẹ, hoặc xa xôi trước nữa. Làng cũ của tôi, những đàn ông hiền lành, siêng năng, không nề hà công việc bị coi là xó bếp. Những phụ nữ ít nói, hay cười ngơ ngác, với đôi bàn tay khéo léo miễn chê. Ngày tết trong làng hoàn toàn không phải những ngày thảnh thơi giao phó. Đầu tháng chạp làm lai rai, càng gần tết càng bận bịu. Từ tinh mơ tới nửa đêm, làm giáp vòng mà việc vẫn chưa đâu vào đâu. Tốn thời gian nhất là công đoạn chuẩn bị nguyên liệu cho các món ngon, để trước bày mâm cúng ông bà tổ tiên, sau là ăn uống trong ba ngày tết. Ba ngày ấy, đặc biệt không có chợ, mà nhà nào cũng sum họp đông người, mỗi người lại có bạn bè, và cả bà con chòm xóm viếng thăm đầu xuân, thành ra tính toán bao nhiêu món rồi mà trong bụng vẫn lo thiếu thốn. Tết mà “thiếu ăn” là không hên. Nghèo giàu gì cũng tận tình đãi khách, lấy may lấy lộc. Tiệc tất niên rồi lại tân niên. Các bữa ăn xen kẽ. Sơ giao đãi bánh mứt, chén trà, ly rượu. Thâm giao phải có bữa cơm với đầy đủ thịt, măng, củ kiệu, dưa chua. Ra về trên tay vung vẩy đòn bánh tét. Ăn uống tầm đó trong những ngày vắng chợ, thì biết mỗi nhà trước tết cực nhọc tới chừng nào.
... Làng hiện đại, không còn nhiều nhà giữ tục lệ nấu nướng xưa. Chợ mới mùng hai đã có. Không chợ thì chịu khó chạy xa xa một chút, siêu thị, cửa hàng tiện lợi luôn niềm nở. Tôi nói bây giờ có thể đón một cái tết “giao phó” là vì vậy. Muốn mua đại trà thì tới nơi buôn bán công cộng. Muốn lạ miệng bắt mắt hơn, được nhiều người trầm trồ hơn, thì tìm đặt những cửa hàng chuyên chế biến theo cách thủ công. Lớp nhỏ chúng tôi lớn lên, ban đầu được thảnh thơi thì mừng, song trải qua nhiều năm thì bị nỗi nhớ nó hành cho thê thảm. Chẳng thà chưa bao giờ thấy ba tôi xay bột bên cối đá. Chẳng thà chưa bao giờ thấy mẹ tôi bẻ đầu bánh ú nhọn đến nỗi “chọt một phát lủng tay”. Trong ký ức rõ ràng có dì tôi cặm cụi nạy mẻ gừng lên làm mứt. Ông anh cậy sức trẻ trung, leo tuột ngọn dừa, lấy nguyên liệu cho nồi cà ri gà tất niên và nhiều món cần chất béo nước cốt dừa. Mấy ngày giáp tết, bà ngoại tôi ngồi luôn trong bếp làm “tổng chỉ huy”. Thời của bà tích trữ bao nhiêu cái khéo cái hay, bao nhiêu kinh nghiệm bổ ích về bếp núc, thì những lần tết cổ truyền chính là dịp truyền đạt hoàn hảo nhất. Tết xưa có sự cạnh tranh vui vẻ. Ví dụ, hai nhà cùng nấu bánh tét, các khâu đều như nhau, vớt bánh ra cầm hai đòn bánh của hai nồi đem so liền. Cắt từng lát bánh, nếp dẻo mềm mại, đậu đen trộn lẫn trong nếp mềm bùi, nhân dù là đậu xanh ngọt hay đậu xanh thịt mỡ đều mang hương thơm đặc trưng, nếm vào miệng nhân chín tới nhưng không bợt bạt, không nhão nhoét... Ấy là đạt bước đầu. Kế tiếp phải coi giữ đòn bánh được mấy ngày không hư. Bánh tét có tiếng là “chịu đựng”, để dành ăn được lâu, nhưng nhà nào nấu khéo hơn thì bánh sẽ lâu hư nhất.
... Nhớ một ngày tết đoan ngọ nào đó, cũng mới đây thôi. Trên một con đường nhỏ và yên tĩnh giữa lòng thành phố, chiều chạng vạng tôi dừng xe đếm cả thảy sáu nồi luộc bánh đang nổi lửa. Quang cảnh đây là đằng trước một cửa tiệm chuyên bán nhiều loại bánh nóng hổi vào những ngày lễ tết. Trên những bếp than tổ ong hừng hực đỏ, những nồi bánh ú lá tre đang sôi sùng sục. Khách qua đường dừng xe xếp thành dãy dài, ngẩn ngơ nhìn. Có một thứ gì đó, giống như là giọt nước mắt của ký ức, nhỏ từng giọt nóng hổi vào những tâm hồn tưởng đâu đã chai sạn bởi âu lo và tuổi tác. Một lát nữa đây chúng tôi về, chắc sẽ có ai đó lên mạng say sưa kể với bạn bè về những chùm bánh “diệt sâu bọ” thơm lừng được vớt ra. Nối một vệt dài nhung nhớ bếp lửa hồng ngày xuân ấm áp. Bao nhiêu món ngon đổ lượt tràn về. Những món nhà làm được.
Tết này, hy vọng có đòn bánh tét đẹp mắt do chính tay tôi gói được.
Những năm đón tết ở làng xưa, nấu được món ngon là một chuyện, bày biện mâm cúng lại là chuyện khác. Tùy theo phong tục mỗi vùng miền, ở quê tôi mâm cúng chú trọng vào chữ “dựa”. Ông cậu tôi từng giảng cho con cháu về ý nghĩa của cách sắp xếp đũa muỗng dựa chén, chén dựa tô, ly tách dựa nhau, mâm quả dựa ngọn đèn... Rồi thứ tự phải trái, trên dưới trong mâm cúng. Nôm na là gửi gắm sự nương nhờ, con cháu muốn cầu xin ông bà tổ tiên phù hộ cho sức khỏe, làm ăn khấm khá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.