Từ 2 năm trước, các chuyên gia nghiên cứu ẩm thực cùng các nhà quản lý trường đào tạo đầu bếp, nhà hàng Việt Nam đã lấy ngày 23 tháng chạp là ngày Bếp Việt, nhằm nối kết nghiên cứu với đào tạo, xây dựng chuẩn ẩm thực Việt Nam, chuẩn các món ăn, các nhà hàng...
Dĩ nhiên, xây dựng chuẩn là một việc rất khó, nhất là khi sự sáng tạo, vấn đề bản quyền, tính cạnh tranh không cho phép giống nhau như hệt. Song cái cơ bản đã tạo nên bản sắc Việt thì phải giữ.
Các món ăn, chuẩn nhà hàng Việt lấy tự nhiên làm gốc, vừa ngon vừa có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt phải khắc phục tình trạng yếu kém về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là khi người nước ngoài đã hết lời ca tụng ẩm thực Việt.
Tuần qua, Martin Yan - một đầu bếp nổi tiếng thế giới - đến TP.HCM đã phát biểu rằng “nếu chọn một món ăn cuối cùng trước khi từ giã cuộc đời thì Yan Can Cook sẽ chọn một tô phở bự và đẹp, bỏ vô đó đầy đủ các loại rau”. Còn một du khách gốc Do Thái sau khi đến Việt Nam đã viết trong bức thư gửi bạn rằng: “Tôi đã chăm chú nhìn những gì mà họ (người Việt) ăn, tôi dám chắc rằng trong kiếp sau tôi muốn làm người Việt Nam”.
Ngày Bếp Việt năm nay, các đơn vị thành viên trong chương trình đã cam kết nâng cao chất lượng ẩm thực Việt. Ngoài việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kết nối từ thực phẩm sạch đến bếp sạch, các cơ sở đào tạo đầu bếp cũng như các nhà hàng Việt quan tâm đến việc khắc phục sự pha tạp làm mất bản sắc Việt trong ẩm thực. Sự pha tạp đang trở thành thói quen của các quán ăn, nhà hàng như không dùng nước mắm mà chỉ dùng nước tương trong nêm nếm món ăn, dọn mâm chỉ có bát nước tương mà không có nước mắm... Năm nay đặc biệt tại hội chợ mua sắm tổ chức ở Nhà thi đấu Phú Thọ TP.HCM có chương trình hát thơ vinh danh bếp Việt, hát thơ Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm, Gia huấn ca, hát thơ Quốc đạo.
Đối với người Á Đông, nhất là người Việt, ăn tết Nguyên đán là náo nức chào mừng một vận hội mới, một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc, làm ăn phát tài. Người người đang lo sơn quét nhà cửa, kiếm cây cảnh hoa trái, câu đối tết chưng cho đẹp nhà. Năm mới cái gì cũng phải mới, nên bộ quần áo mới cho người già, trẻ em cũng là điều người Việt luôn nghĩ tới.
Tết là dịp đoàn tụ gia đình, mọi người đang chuẩn bị về quê. Ngày cuối năm còn có mâm cỗ cúng mời ông bà về ăn tết với con cháu. Mâm cỗ tết tùy theo vùng miền, không thể thiếu các loại bánh truyền thống như bánh chưng, bánh dày, bánh tét, dưa hành, củ kiệu, dưa mắm, dưa món, giò, nem, ninh, mọc, thịt đông, tôm khô... Với ước mong được an lành, không bị ma quỷ quấy nhiễu, nhất là cấm kỵ đòi nợ trong dịp tết, người ta dựng cây nêu cho tới mùng bảy mới hạ (hiện còn có vài nơi trồng cây nêu như ở Nhà lưu niệm cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Mùi tại TP.HCM, các chương trình đón khách Tây ăn tết ta của các công ty du lịch...). Và còn bao nhiêu thứ nữa đã và đang tạo nên di sản văn hóa đáng quý của dân tộc Việt, cần gìn giữ đến muôn đời sau.
Hãn Nguyên Nguyễn Nhã
(tiến sĩ sử học)
Bình luận (0)