Bếp Việt trời Âu

25/01/2012 10:35 GMT+7

Lúc tôi mới chân ướt chân ráo đến châu u, thèm món Việt bải hoải cả người mà không tìm được đúng mùi vị, giờ thì muốn gì cũng có!

Lúc tôi mới chân ướt chân ráo đến châu u, thèm món Việt bải hoải cả người mà không tìm được đúng mùi vị, giờ thì muốn gì cũng có!

Từ bếp hàng

Món ăn Việt ngon, lạ, nhưng độ phủ sóng vẫn kém hẳn bếp Tàu, Thái, Nhật. Thành phố Leuven (Bỉ) gần nhà tôi ở nổi tiếng là thế, tìm mỏi mắt không ra nhà hàng Việt. Muốn ăn phải lên Brussels, chỉ vài góc phố mà quần tụ mấy nhà hàng mở cửa ngó sang nhau.

Hai năm trước, món Việt đầu tiên tôi ăn ở Brussels là miến gà. Bát miến nhỏ không mộc nhĩ, không hành, dĩ nhiên không lòng gà, thay vào đó là những sợi cà rốt mỏng (đúng kiểu bếp u, cứ súp là cà rốt!), nước dùng ngọt vị đường, không hợp khẩu vị người Bắc.

Anh bạn Nguyễn Minh sang Đức dự hội chợ sách quốc tế, kể từ sân bay về trong đầu chỉ nghĩ đến hai việc cấp bách "nấu cơm và luộc rau". Đến châu u chốc lát, ăn món Tây chóng ngán, đến món Việt cũng thấy lai tạp. Nhiều bếp Việt phải pha chế gia vị, điều chỉnh hương liệu cho gần khẩu vị người u hơn để hút khách. Mới sang, vị giác còn... tự vệ khỏe, ở lâu rồi, dần hòa nhập hương vị kiểu này, ăn ngon miệng hơn.

Và khi đã ở đây cả thập kỷ như chị Ngọc Diệp, sẽ thành thạo lựa từng món ngon nhất tại mỗi nhà hàng: "Quán Chào có phở và đặc biệt là bún bò Huế ngon, đúng vị. Phở đủ thịt nạm, thịt tái, nước lèo ngọt. Bún bò Huế có móng heo, bắp bò, thơm mùi mắm ruốc, nhiều loại rau ghém. Còn muốn ăn bánh xèo cực ngon, nước chấm trứ danh, vào quán Cocotier. Gần đây có tiệm Thiên Long phở, bún bò cũng ngon".

Trong số bạn Việt của tôi ở Bỉ, Minh Thu 31 tuổi được cho là may mắn nhất. Những năm đầu, hầu như cuối tuần nào anh chàng Jean cũng lái xe hơn 4 tiếng từ Bỉ sang Paris (Pháp) để đãi vợ món phở quận 13. Thu kể: "Gần nhà khai trương cửa hàng quảng cáo phở hoành tráng nên rủ chồng vào ăn. Tô phở đặc biệt giá 24 Eur. Nhưng sốc không vì giá mà vì thấy những miếng cà rốt to bằng ngón tay trong bát phở! Mất hứng. Nghe người bà con bên Pháp nói phở Việt ở Paris gần vị phở quê nhà nên tuần nào cũng chịu khó đi ăn".

Được Thu mách, sang Paris tôi cũng tìm đến Phở 14 ở quận 13. Đến đây quả thực rất tự hào vì từ "phở" xuất hiện nhiều bậc nhất trên các biển hiệu, nhà hàng. Quay góc nào cũng thấy! Bà con tán chuyện trên internet rằng Phở Mùi đậm vị phở Bắc, Phở 14 là vị phở Nam, cả hai quán đều ở đường Tobiac, quận 13.

Ấy thế mà hỏi đến 2- 3 người Việt trên phố tôi vẫn không tìm ra hàng phở Mùi, tiếp tục không may khi đến Phở 14 dịp quán đóng cửa tu sửa. Kế đó cũng là nhà hàng trưng biển Phở, khách đông nườm nượp, phải xếp hàng gần nửa tiếng mới có chỗ ngồi thưởng thức tô phở giá 7,5 Eur. Phở vị Huế, giống phở ở Brussels, ăn rồi lại tiếc, giá gọi hẳn tô bún bò Huế có hơn không?!

Biết tôi cất công sang Paris tìm ăn phở, chị Dương- theo học Thạc sĩ tại Pháp hơn 5 năm, tỏ vẻ không hứng: "Sao mình ăn đủ kiểu phở ở đây vẫn không thấy ngon, quán nào vị cũng giống nhau. Sau này thạo đường, chịu khó ra chợ Trung Quốc Tang Frères to nhất quận 13, bán đủ thứ, nào hoa hồi, quế để nấu phở, mắm ruốc Huế nấu bún bò, lá lốt nấu ốc chuối đậu, thậm chí cả rau ngót phục vụ các sản phụ ăn cho lành... Tự nấu đúng khẩu vị vừa ngon vừa rẻ. Làm một nồi bún bò, chồng con ăn hai ba ngày không hết, đi nhà hàng một bữa tiêu tốn bằng tiền chợ cả tuần".


Hiệu phở ở quận 13, Paris

Đến bếp nhà

Bếp nhà của người Việt sành ăn, nói không quá, quả là thiên đường quê hương! Đúng ngày toàn nhất 11-11-2011, Ngọc Diệp làm cả đám choáng khi khoe ảnh cậu con trai thứ hai đang thích thú gặm đầu gà. Chén món Nhất Thủ đúng ngày toàn nhất ở Brussels này đúng thật độc nhất! Minh Thu sửng sốt: "Từ ngày sang Bỉ đến nay chưa bao giờ nhìn thấy con gà đã thịt nào còn nguyên đầu. Nhà em bán thịt cho Tây, họ mà nhìn thấy cái đầu gà này chắc ngất".

Câu chuyện về con gà trống chết... toàn thây này còn ly kỳ hơn. Diệp kể: "Tớ mua con gà này ở tiệm chuyên bán đặc sản của Pháp tại Brussels. Nôm na là gà trống Gaulois cơ đấy! Gà bán ở siêu thị chỉ 2- 3 Eur/kg, gà Pháp đặc sản thì 9 Eur/kg. Đem về nhà ướp muối rồi hấp rượu, thịt thơm ngon chả kém gà ri quê nhà. Nhưng càng ăn càng thấy mùi gì đó không ổn, hóa ra nằm sâu trong bụng vẫn còn nguyên bộ lòng gan".

Tôi cũng được Diệp tư vấn cụ thể, tỉ mỉ cách chợ búa ở Brussels để có bữa ăn tươm tất. Mỗi khi nhận được tin nhắn của Thanh, đại loại "Hôm nay đổ bánh xèo, rảnh ghé ăn cho vui?", cả nhà tôi như mở hội bởi không chỉ được ăn món ngon đúng kiểu mà còn được hưởng không khí gia đình tíu tít bếp núc. Nhìn món bánh xèo và tô bún bò bày ra bàn, xúc động!

Bên ngoài tuyết bắt đầu rơi trắng đường phố. Trong nhà, chiếc bánh xèo vàng rộm lấm tấm đỗ xanh bốc khói, tô bún bò nức mùi mắm ruốc và sa tế, đĩa rau sống tươi rói nào cải xanh, húng quế, xà lách, rau răm, mùi tàu, diếp cá, tía tô... Bố mẹ chồng Thanh từng mở nhà hàng kiểu take away ở Leuven nên rất thạo nấu ăn, mua hàng và bảo quản thực phẩm.

Thanh chia sẻ: "Các loại rau thơm mua về chỉ được vài ngày là hỏng. Má chồng em thường đem rửa sạch, cắt khúc, chia thành từng hộp nhỏ để trong tủ đông lạnh, khi nào cần ăn lấy ra để vài tiếng cho rã đá rồi nấu. Nhà hàng cũng phải làm vậy, đặc biệt khi mùa đông đến. Ở các chùa của người Việt tại Brussels, thỉnh thoảng có người đến bán nem, chả nướng, vừa rẻ vừa ngon. Thỉnh thoảng em đến tiệm Nepal còn mua được cả hoa chuối đực, giá khoảng 4- 5 Eur, làm nộm hoa chuối rất ngon”.

Gần Tết, cả bọn dặn tôi nếu muốn ăn bánh chưng, bánh tét thì cùng đặt hàng ở Brussels. Diệp bảo: "Vài gia đình chung nhau đặt 15- 20 chiếc sẽ rẻ, chỉ 5- 7 Eur/chiếc, ngon và mềm hơn các loại bánh bán ở tiệm nhập từ Pháp, Hà Lan đắt gấp rưỡi, hay mặn nhân và chóng lại gạo. Tớ còn có điện thoại của mấy gia đình chuyên nấu xôi gấc, bánh bao cũng rất ngon".

Biết chuyện, cậu tôi đang ở Frankfurt (Đức) tiếc rẻ: "Giá cháu ở gần đây cậu sẽ cho mấy cái bánh chưng hàng xách tay xịn. Tết nào cậu cũng được ăn bánh chưng nấu ở quê nhà vì bạn bè, đồng nghiệp mang sang nhiều lắm, khỏi mua".

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.