Xưa nay, hình ảnh người phụ nữ luôn gắn với bếp lửa gia đình. Từ những người bà, người mẹ, người chị đảm đang cho tới những cô em chưa chồng cũng chăm chút thu vén cho cái bếp, chờ ngày có người hỏi tới “giang sơn” của họ. Lời người mẹ dặn luôn được con gái ghi nhớ: người ta tới coi mắt là coi cái bếp có gọn gàng, sạch sẽ hay không, chứ không phải coi con mắt đẹp hay xấu!
Cô gái vui bên bếp lửa reo tí tách, má hồng ánh đỏ. Người thiếu phụ buồn tư lự bên siêu nước sôi líu ríu, nhìn ngọn lửa nhảy nhót mà len lén thở dài. Họ vui buồn bên bếp lửa, bếp lửa là tri âm. Dù trời mưa hay nắng, dù gió có thổi tứ bề, thì khi ngọn lửa thắp lên trong bếp, sức sống của mỗi gia đình vin vào đó mà tồn tại.
Người đàn ông đi làm đồng đội mưa gió về nhà, bước chân vào bếp đã thấy ấm áp ngay với người phụ nữ của mình ngồi bên bếp lửa, bên nồi cơm đang sôi lục bục trên than hồng, ngẩng đầu lên với nụ cười trong mắt: “Ba nó tắm đi rồi ăn cơm cho nóng”.
Đứa cháu đi học về, chạy ngay vào bếp để bà vét cho chén cơm nguội rưới chút mỡ hành và xì dầu, hay là củ khoai lùi nóng hổi túm vào áo, nhảy cà tưng vì nóng quá.
Họ - những người phụ nữ đã níu giữ các thành viên thân yêu quanh bếp lửa ma thuật của họ.
Bếp không thể mãi là bếp củi lửa tí tách, dù chức năng không thay đổi. Bếp củi, bếp than, rồi bếp dầu ám khói trong căn nhà chật chội ở chốn nửa quê nửa phố. Bếp gas tiện dụng của thời hiện đại, bếp cồn cho những nồi lẩu đám tiệc, rồi thành bếp điện, bếp từ, bếp hồng ngoại nơi đô thị.
Ngày nay, trong những gian bếp hiện đại, không còn thấy bóng dáng của lửa đỏ, của than hồng, của khói lam chiều. Bếp ngày nay sạch tinh không tro bụi, không nhọ nồi. Bếp có vì vậy mà mất đi cái thi vị của thời sơ khởi?
Đi liền với bếp trong gian phòng hiện đại là bàn ăn, tập trung những thành viên gia đình trong bữa cơm tối. Người của xã hội hiện đại tất bật cả ngày ngoài đường, trong những cao ốc, văn phòng hay những công trình, buổi tối trở về nhà vẫn sẽ lập tức ấm áp quanh căn bếp của nhà mình. Bữa cơm tối thành một cuộc họp mặt vui vẻ mỗi ngày, vì vậy bếp dù có từ nông thôn bước vào phố thị, vẫn nguyên vẹn chức năng “giữ lửa” của mình.
Bếp hiện đại có thêm lò nướng, lò vi sóng tiện dụng, có tủ bếp ngăn này hộc kia để chứa đựng tỉ thứ của chị em phụ nữ. Bếp hiện đại vì thế mà không còn thấy chiếc rổ tre, kệ đựng gia vị hành tỏi mắm muối thể hiện cái vén khéo của gái quê, hay chỉ đơn giản là một chú mèo cuộn tròn trong tro bếp… nên cũng luống đôi chút ngậm ngùi cho người hoài cổ.
Dù là gian bếp nơi chái tranh xưa hay căn bếp đầy đủ tiện nghi ở đô thị lớn, không gian bếp luôn mang lại cảm giác ấm cúng, là nơi quy tụ các thành viên của gia đình. Nơi đó những câu chuyện được kể, những niềm vui san sẻ, những bực dọc vơi đi…
Nơi đó, một “ngọn lửa” luôn được thắp lên, nối truyền các thế hệ, chừng nào người ta còn quan trọng ý nghĩa sâu xa của “bếp gia đình”.
Bình luận (0)