Danh sách các doanh nghiệp nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất vừa được Hà Nội công khai ngày hôm qua, trong đó xuất hiện tên tuổi một loạt các “ông lớn” có tiếng trên thương trường.
Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đang nợ tiền thuế - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Qua bản danh sách công khai doanh nghiệp (DN) còn nợ thuế tính đến ngày 30.5.2015, Cục Thuế Hà Nội đã chỉ đích danh 23 DN rất lớn với tổng số nợ thuế lên tới 1.234 tỉ đồng. Trong số đó, chủ yếu là các DN xây dựng và bất động sản. Đứng đầu danh sách nợ thuế là Công ty Sông Đà Thăng Long với mức nợ lên đến 375,2 tỉ đồng, kế đến là các DN khác như: Viglacera Hà Nội 88 tỉ đồng, Công ty Cavico xây dựng cầu hầm 80,5 tỉ đồng, Sông Đà 9.06 nợ 68 tỉ đồng, Công ty Tập đoàn điện tử công nghiệp VN nợ 65,4 tỉ đồng, Công ty công trình giao thông 118 - Momota nợ 43,9 tỉ đồng...
Trong bản danh sách thứ hai, Cục Thuế Hà Nội công bố 15 dự án nợ tiền sử dụng đất trên địa bàn. Trong đó, nợ lớn nhất là “Dự án đầu tư xây dựng văn phòng giao dịch, nhà ở, chung cư cao tầng, biệt thự nhà vườn để bán và cho thuê tại P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai” hơn 322 tỉ đồng (Chủ đầu tư là Công ty CP sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu). Các dự án khác như: Dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An (TCT Thành An) nợ gần 143 tỉ đồng; Trung tâm thương mại và nhà ở C1 Khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính Thanh Xuân (Công ty CP đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội) nợ hơn 115 tỉ đồng...
Cực chẳng đã mới công khai
Trả lời Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Hà Nội), cho biết tất cả các DN trên đều thuộc các đối tượng chây ì, các khoản nợ phải thu khó đòi đã quá 90 ngày. Số nợ thuế lớn, kéo dài, ngành thuế đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt nhưng vẫn không thu hồi được. “Chúng tôi biết rằng công khai sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của DN, đến đối tác của DN, đến môi trường kinh doanh nhưng ngành thuế đã làm mọi cách rồi, giờ cực chẳng đã mới phải chỉ đích danh”, bà Yến nói.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến DN nợ thuế, theo bà Yến, có yếu tố khách quan như kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng thời gian dài. Tuy nhiên, cũng có DN cố tình chây ì, trốn thuế, đối với những trường hợp đã bán nhà thu tiền mà không kê khai nộp thuế sau khi đủ hồ sơ, chứng cứ ngành thuế sẽ chuyển qua cơ quan công an đề nghị xử lý hình sự.
“Trước khi công khai danh tính, Cục Thuế đã phối hợp với cả ủy ban mời DN lên làm việc để giải trình, cho phép phân kỳ, kéo dài thời gian nhưng đến hạn các DN vẫn không trả được nợ”, bà Yến nói thêm. Riêng một số DN mà nhà nước còn nợ tiền xây dựng cơ bản, cũng đã không bị phạt tiền thuế chậm nộp, được hỗ trợ tiền sử dụng đất... Vẫn theo bà Yến, danh sách trên chỉ là đợt 1, hiện tại Cục Thuế Hà Nội đang tiếp tục rà soát, Phòng Quản lý nợ tiếp tục đối chiếu và làm việc với các DN. Thời gian tới, sẽ tiếp tục công khai đợt 2.
Tình trạng nợ đọng thuế đang có xu hướng ngày càng gia tăng và kéo dài, không chỉ ở Hà Nội và nhiều địa phương khác. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo ngay trong tháng này, 3 đơn vị gồm Cục Thuế Hà Nội, Cục Thuế TP.HCM và Tổng cục Thuế sẽ phải công khai danh sách 600 DN có số nợ thuế lớn nhất. Mỗi đơn vị công khai 200 DN, trong đó 100 DN có số nợ lớn và 100 DN có số nợ lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Về tổng số nợ thuế trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết hiện nay đã lên tới 72.000 tỉ đồng, bằng 10% số thu, gấp đôi chỉ tiêu mà Quốc hội cho phép. Vẫn theo ông Tuấn, tỷ lệ nợ thuế tối đa chỉ 5% so với số thu, tuy nhiên con số này đến nay đã lên tới trên 10%.
Trả lời Thanh Niên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cũng xác định quan điểm của ngành thuế là luôn chia sẻ khó khăn với các DN. Trước khi công bố danh tính các đơn vị, ngành thuế đã làm việc với DN rất nhiều lần.
Phong tỏa tài khoản, vô hiệu hóa hóa đơn
Liên quan đến giải pháp sau khi công khai danh tính, lãnh đạo ngành thuế Hà Nội cho biết cơ quan này sẽ chờ đợi động thái và phản ứng tích cực từ phía DN. Đối với trường hợp kiên quyết không nộp, ngành thuế đã và sẽ phong tỏa tài khoản giao dịch tại ngân hàng. Nếu tài khoản không có tiền, biện pháp mạnh hơn sẽ thông báo vô hiệu hóa hóa đơn.
Bình luận về động thái trên, các chuyên gia tài chính cho rằng việc công khai danh tính nhằm chống thất thu nợ đọng thuế cho ngân sách. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cần phải có sự sàng lọc thật kỹ lưỡng và thận trọng. Những DN vì yếu tố khách quan mà gặp khó khăn cần được hoãn, giãn nợ thuế. “Phải phân loại và tìm giải pháp hỗ trợ các DN có lịch sử làm ăn tốt, có năng lực nhưng vì khó khăn mà mất thanh khoản tạm thời. Còn đối với DN cố tình chây ì thì phải kiên quyết truy thu, công khai”, PGS-TS Ngô Trí Long đề xuất.
Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN Nguyễn Hoàng Hải cảnh báo các đối tác khi giao dịch với DN bị công khai nợ thuế, đặc biệt bị phong tỏa tài khoản và thông báo vô hiệu hóa hóa đơn phải hết sức thận trọng và dè chừng. Nhưng ở một góc nhìn tích cực hơn, ông Hải cũng cho rằng ngành thuế nên tính tới giải pháp căn cơ hơn để hỗ trợ giúp đỡ DN khó khăn thực sự, tái cơ cấu các khoản nợ. Có như vậy mới nuôi dưỡng được nguồn thu, tạo động lực thúc đẩy DN làm ăn, có lợi nhuận để nộp thuế.
Các DN nợ thuế nói gì ?
Theo thông tin từ Cục Thuế Hà Nội, TCT Viglacera có 3 công ty con còn nợ tiền thuế là Công ty đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera (xấp xỉ 40 tỉ đồng), Công ty CP cơ khí & xây dựng Viglacera (hơn 50 tỉ đồng) và Công ty CP Viglacera Hà Nội (hơn 88 tỉ đồng).
Đại diện Công ty đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera cho biết trong sáng 6.7 đã chuyển khoản nộp gấp toàn bộ số thuế còn nợ. Trong khi đó, ông Đặng Nam Huân, Giám đốc Công ty CP cơ khí và xây dựng Viglacera, cho biết nguồn gốc số thuế còn nợ là từ quá trình hoạt động lâu dài của DN, thời lãnh đạo trước để lại. Cộng cả tiền gốc và tiền lãi phạt mới ra số tiền hơn 50 tỉ đồng. Thanh Niên cũng đã liên lạc với ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Công ty CP Viglacera - đơn vị còn nợ hơn 88 tỉ đồng tiền thuế, nhưng không có phản hồi.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sông Đà Thăng Long, cho biết con số nợ thuế của DN lên đến hơn 375 tỉ đồng như cơ quan thuế TP.Hà Nội công bố là chưa chính xác do cách tính chưa đúng. “Với khoản thuế VAT, doanh thu chúng tôi có được bao nhiêu, cơ quan thuế liền tính ngay trên tổng đó mà chưa khấu trừ các chi phí khác”, ông Dũng nói.
|
Bình luận (0)