Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.Đà Nẵng cho biết, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), học sinh - sinh viên (HS-SV) là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Tại TP.Đà Nẵng, tính đến ngày 31.8.2022, tổng số HS-SV tham gia BHYT là 308.179 em, đạt 99,99% trên tổng số HS-SV và tăng 20.501 em so với cùng kỳ năm học trước (tính ở thời điểm tháng 8.2021). Để có được kết quả này, BHXH TP.Đà Nẵng đã tham mưu UBND TP.Đà Nẵng ban hành văn bản chỉ đạo Sở GD-ĐT, các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp thực hiện.
Trên cơ sở này, ĐH Đà Nẵng cũng đã đưa chỉ tiêu HS-SV tham gia BHYT vào chính sách đối với HS-SV, trở thành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với các cơ sở đào tạo. Theo đó, quỹ BHYT góp phần chia sẻ với gia đình, nhà trường và xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe cho HS-SV nếu không may các em ốm đau, bệnh tật. Trong năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022, BHXH Đà Nẵng đã thanh toán cho 198.687 lượt HS-SV khám chữa bệnh BHYT, với tổng số tiền trên 101,7 tỉ đồng. Trong số này, có rất nhiều trường hợp HS-SV được quỹ BHYT thanh toán nhiều đợt điều trị với số tiền lớn hàng trăm triệu đồng…
Đơn cử trường hợp của học sinh N.M.D (17 tuổi, ở TP.Đà Nẵng). Em D. được các bác sĩ chẩn đoán bệnh bạch cầu cấp dòng lympho T tiến triển, kèm với tình trạng viêm loét dạ dày, nhiễm trùng huyết Klebsiella. Quá trình điều trị kéo dài khiến tình hình sức khỏe của D. đối mặt với nhiều vấn đề như suy tủy sau hóa trị, hạ kali máu, cơ thể suy kiệt với tình trạng nhiễm trùng máu kéo dài. D. trải qua nhiều đợt điều trị tích cực tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng… với chi phí được BHYT thanh toán lên đến hơn 453 triệu đồng.
Nếu không có BHYT thì đây thực sự là gánh nặng chi phí đối với gia đình D. và nhiều gia đình khác. Trường hợp bệnh nhi H.T.T (6 tuổi, ở TP.Đà Nẵng) cũng vậy. Cháu T. mắc bệnh suy giảm miễn dịch thể dịch bẩm sinh, trải qua quá trình điều trị kéo dài tại Bệnh viện Phụ sản Nhi với nhiều đợt điều trị, sau đó được BHYT thanh toán lên đến hơn 571 triệu đồng…
Học sinh tham gia BHYT học đường và sử dụng thẻ BHYT điện tử trên nền tảng ứng dụng VssID |
AN QUÂN |
Phấn đấu đạt mục tiêu 100% HS-SV tham gia BHYT
BHXH TP.Đà Nẵng cho biết trong năm học 2022-2023, đơn vị sẽ tiếp tục đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển 100% HS-SV tham gia BHYT. BHXH sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông về BHYT HS-SV theo hướng linh hoạt với nhiều hình thức, như triển khai cài đặt ứng dụng VssID trên điện thoại thông minh của HS-SV, phát tờ gấp, tờ rơi và tuyên truyền trực quan. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động phổ biến chính sách BHYT HS-SV trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử, fanpage, trang Zalo của BHXH TP.Đà Nẵng...
Công tác phối hợp giữa BHXH Đà Nẵng và các đơn vị trường học cũng được tăng cường như hỗ trợ, đôn đốc các trường thực hiện thủ tục liên quan đăng ký, cấp thẻ BHYT HS-SV; trích, chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu để các cơ sở giáo dục đào tạo chủ động có nguồn kinh phí phục vụ theo quy định. Đặc biệt là huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho HS-SV có hoàn cảnh khó khăn. BHXH TP.Đà Nẵng cũng tập trung triển khai các giải pháp phát triển BHYT, xác định HS-SV là một trong những nhóm cần tập trung; tổ chức giao nhiệm vụ cụ thể đến từng viên chức tăng cường làm việc trực tiếp với các trường học, đôn đốc quyết liệt để đạt hiệu quả cao nhất, tăng tỷ lệ tham gia BHYT của nhóm HSSV đạt 100%.
Trong năm học 2022 - 2023, mức đóng BHYT của HS-SV không có sự thay đổi so với năm học trước. Mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, HS-SV tự đóng 70%).
Cụ thể, mức đóng = 4,5% x 1.490.000 đồng x 12 tháng = 804.600 đồng/năm. Trong đó, số tiền HS-SV thực đóng là: 563.220 đồng/năm (do đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng).
Thẻ BHYT được cấp mới hoặc gia hạn hằng năm cho HS của cơ sở giáo dục phổ thông cũng được quy định cụ thể. Đối với HS lớp 1, giá trị sử dụng thẻ BHYT bắt đầu từ ngày 1.10 năm đầu tiên của cấp tiểu học. Đối với HS lớp 12, thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30.9 của năm học.
Thẻ BHYT được cấp mới hoặc gia hạn hằng năm cho HS-SV của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục dạy nghề cũng được quy định cụ thể. Đối với SV năm thứ nhất của khóa học, thẻ có giá trị sử dụng từ khi nhập học, trừ trường hợp thẻ của HS lớp 12 đang còn giá trị sử dụng. Với SV năm cuối của khóa học, thẻ BHYT có giá trị đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.
Giá trị sử dụng của thẻ BHYT tương ứng với số tiền đóng BHYT theo số tháng đã tham gia của HS-SV. HS-SV cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID để sử dụng ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng này khi đi khám, chữa bệnh thay cho dùng thẻ BHYT giấy.
HS-SV khi đi khám chữa bệnh BHYT đúng quy định, được thanh toán những khoản chi phí nào?
* Đối với trường hợp khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến
- HS-SV được hưởng 100% chi phí KCB BHYT nếu:
+ Tổng chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (tương đương 223.500 đồng).
+ Khám chữa bệnh tại tuyến xã (trạm y tế xã, phường, thị trấn).
+ Có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tương đương 8.940.000 đồng).
- HS-SV được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng BHYT, phần còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở khám chữa bệnh.
* Đối với trường hợp KCB BHYT không đúng tuyến
- Tại bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú.
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú.
- Tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú.
Bình luận (0)