The New York Times hôm 20.8 dẫn nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt kế hoạch chiến lược hạt nhân với tên gọi "Hướng dẫn triển khai hạt nhân" từ tháng 3.23024. Tuy nhiên Nhà Trắng chưa từng công bố điều này trên truyền thông.
The New York Times tiết lộ kế hoạch tuyệt mật này lần đầu tiên tái định hướng chiến lược răn đe của Washington đối với việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Việc thông báo cho Quốc hội Mỹ về sửa đổi này dự kiến sẽ được thực hiện khi ông Biden rời nhiệm sở.
Theo The New York Times, trong các bài phát biểu gần đây, hai viên chức hành chính cấp cao đã ám chỉ đến việc sửa đổi chiến lược này. Tuy nhiên Nhà Trắng ngày 20.8 bác bỏ thông tin của The New York Times và cho biết kế hoạch chiến lược hạt nhân được Tổng thống Biden phê duyệt trong năm nay không nhằm phản ứng trước một quốc gia hay mối đe dọa nào.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Savett cho biết: "Chính quyền Tổng thống Biden tương tự như 4 chính quyền trước đó, đã ban hành Đánh giá tình hình hạt nhân và Hướng dẫn lập kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân. Mặc dù văn bản cụ thể của hướng dẫn được phân loại mật, nhưng sự tồn tại của nó không phải là bí mật. Hướng dẫn được ban hành đầu năm nay không phải là phản ứng đối với bất kỳ thực thể, quốc gia hay mối đe dọa nào".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 21.8 bày tỏ quan ngại về thông tin Mỹ đã phê duyệt kế hoạch chiến lược hạt nhân nhằm tập trung vào sự mở rộng nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
Phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận định Mỹ đang dựng chuyện về mối đe dọa hạt nhân của Trung Quốc, nhằm có cớ để đạt được lợi thế chiến lược.
Hiệp hội kiểm soát vũ khí (của Mỹ) cho rằng chiến lược và tư thế vũ khí hạt nhân của Mỹ vẫn giống như được mô tả trong "Đánh giá tư thế hạt nhân năm 2022" của chính quyền Tổng thống Biden, và không có sự thay đổi định hướng từ Nga chuyển sang Trung Quốc.
Giám đốc điều hành Hiệp hội kiểm soát vũ khí Daryl Kimball ước tính Trung Quốc có thể tăng gấp đôi kho vũ khí hạt nhân từ 500 lên 1.000 đầu đạn vào năm 2030.
Nga hiện có khoảng 4.000 đầu đạn hạt nhân và vẫn là yếu tố chính thúc đẩy chiến lược hạt nhân của Mỹ.
Bình luận (0)