Bí ẩn chương trình tàu quân sự không người lái của Trung Quốc

13/10/2021 07:22 GMT+7

Những hình ảnh vệ tinh mới ở Trung Quốc đã tiết lộ thêm thông tin liên quan chương trình phát triển tàu quân sự không người lái của nước này.

Hôm qua 12.10, chuyên trang USNI đưa tin các hình ảnh vệ tinh Maxar vừa chụp được đã tiết lộ về một căn cứ bí mật của hải quân Trung Quốc. Theo đó, căn cứ này nằm ở khu vực từng là khu du lịch gần TP.Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh), nhưng nay đã hoàn thiện thêm cầu tàu mới và đang neo đậu một số tàu. Và theo phân tích thì đó là các loại tàu nổi không người lái (USV) mới, chứ không phải một số loại từng được biết đến.

Nhiều biến thể, hỏa lực mạnh

Lâu nay, dòng USV gây nhiều chú ý của Trung Quốc là JARI - vốn từng xuất hiện ở gần khu vực trên cũng thông qua hình ảnh vệ tinh.

Dài khoảng 15,2 m và rộng khoảng 4,8 m, JARI có độ choán nước khoảng 20 tấn, đạt tốc độ tối đa lên đến 42 hải lý/giờ (khoảng 77 km/giờ) và tầm hoạt động lên đến 500 hải lý (hơn 900 km). Loại tàu này được trang bị nhiều loại cảm biến, radar lẫn sona tối tân để có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, do thám. Ngoài ra, theo một số nguồn tin, JARI còn có phiên bản có thể được tích hợp nhiều thiết bị chuyên dụng săn tàu ngầm.

Một hình vệ tinh của Maxar và được USNI đăng tải

USNI

Không chỉ vậy, dòng USV này còn có thể mang theo nhiều loại vũ khí. Phía trước tàu được trang bị một pháo 30 mm điều khiểu từ xa, hệ thống các ống phóng ngư lôi và ống phóng tên lửa thẳng đứng cho phép khai hỏa tên lửa đối không và tên lửa đối hạm. Như vậy, JARI là loại USV có khả năng tác chiến đa nhiệm: trinh sát, săn tàu ngầm, tấn công máy bay lẫn tàu chiến.

Lần này, qua hình ảnh vệ tinh mới ở trên, Trung Quốc dường như có thêm dòng USV khá giống với JARI nhưng qua phân tích thì dài khoảng 21 m. Nên không loại trừ khả năng đó là phiên bản cỡ lớn của JARI, nhưng chưa rõ các loại trang thiết bị cũng như vũ khí kèm theo.

Bên cạnh đó, cũng trong hình vệ tinh mới ở trên, neo bên cạnh còn có một USV có chiều dài cũng khoảng 21 m với thiết kế sàn tàu phía sau khá rộng. Qua một số chi tiết phía đuôi tàu kiểu dốc, thì khả năng tàu này được trang bị hệ thống phóng thả và thu hồi các USV/UUV cỡ nhỏ, hoặc thu hồi ngư lôi cỡ nhỏ. Chính vì thế, nhiều khả năng thì đây là một loại USV trinh sát, săn ngầm… Ngoài ra, gần đó còn có một USV khác cũng dài khoảng 21 m và mang thiết kế 3 thân nhưng chưa rõ thêm chi tiết.

Ngoài ra, hồi năm ngoái, chuyên trang Naval News còn dẫn một số nguồn tin tình báo khẳng định Trung Quốc đã “sao chép” dòng USV mang tên Sea Hunter của Mỹ. Đây là loại USV chuyên săn ngầm với nhiều cảm biến, công nghệ chuyên dụng để phát hiện, theo dõi tàu ngầm. Sea Hunter mang thiết kế 3 thân và được cho là có nhiều lợi thế trong hoạt động nhờ vào thiết kế kiểu 3 thân. Theo Naval News, Sea Hunter “made in China” có chiều dài đến 46 m, trong khi mẫu gốc của Mỹ có chiều dài chỉ khoảng 40 m.

Ngoài ra, những năm qua, nhiều thông tin cho thấy Bắc Kinh còn tăng cường phát triển các loại tàu ngầm không người lái (UUV) phục vụ cho mục đích quân sự như trinh sát, do thám… và không loại trừ khả năng sẽ được vũ trang.

Hình ảnh được cho là tàu JARI

Navy Recognition

Cuộc đua Mỹ - Trung

Trả lời Thanh Niên ngày 12.10 về thông tin do USNI đăng tải ở trên, TS Satoru Nagao phân tích: “Trong một thời gian dài, cả Mỹ và Trung Quốc đều phát triển nhiều phương tiện không người lái. Các phương tiện không người lái có thể làm các nhiệm vụ nguy hiểm như rà mìn, nhận diện kẻ thù. Thế nhưng, những phương tiện không người lái này được con người điều khiển từ xa, nên nếu mất kết nối thì không thể kiểm soát chúng”.

“Tuy nhiên, sự phát triển gần đây của trí tuệ nhân tạo (AI) đã khiến phương tiện không người lái trở thành một sức mạnh mới. Các USV có thể tự suy nghĩ và quyết định, nên chúng đang trở thành vũ khí mới để chiến đấu”, TS Nagao nói thêm và cho biết khi xây dựng một hệ thống thông minh để điều khiển các USV, UUV thì các hệ thống này có thể tự điều khiển phương tiện để khai thác các ưu thế của chúng.

“Các USV, UUV không cần không gian cho người điều khiển nên kích thước giảm đi đáng kể, đồng thời có thể đi đến các khu vực mà con người không nên đến. Hơn thế nữa, sự kết hợp giữa tàu có người lái và tàu không người lái tạo ra các chiến thuật mới trong chiến tranh. Do đó, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang đẩy mạnh phát triển các loại vũ khí này”, TS Nagao nói.

Trung Quốc triển khai thiết bị nghiên cứu dòng chảy ngầm ở Biển Đông

Bộ cảm biến được giới khoa học Trung Quốc thử nghiệm ở Biển Đông

SCMP

Tờ South China Morning Post hôm qua đưa tin một nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Hải dương Trung Quốc đã thử nghiệm bộ cảm biến có thể cải tiến việc phát hiện những dòng chảy bị cho là nguy hiểm đối với tàu ngầm ở Biển Đông.

Bộ cảm biến nặng 1,4 tấn này đã được thả xuống Biển Đông ở độ sâu khoảng 600 m và 1.400 m vào năm ngoái, như thông tin mới được rò rỉ gần đây. Thiết bị có thể hoạt động dưới đáy biển trong nhiều tuần và sẽ thu thập “lượng lớn dữ liệu cần thiết cho việc phát hiện thêm cơ chế của các cơn sóng nội riêng biệt ở đáy biển”, theo nhóm nghiên cứu. Dữ liệu thu thập được sẽ hỗ trợ giới nghiên cứu tạo ra những mô hình chính xác hơn để dự đoán sự hình thành và sức mạnh của các cơn “sóng nội” trong lòng Biển Đông. Những dòng chảy dưới nước được xem như “sóng nội” là mối nguy hiểm nghiêm trọng ở Biển Đông vì một số cơn sóng có thể nhanh chóng kéo tàu ngầm xuống những độ sâu khiến tàu bị vỡ.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.